Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English
CÔNG TY CỔ PHẦN DAP - VINACHEM

Công ty cổ phần DAP - Vinachem

Niềm vui của nhà nông

DAP-VINACHEM thoát danh sách doanh nghiệp kém hiệu quả

Cập nhật: 25-09-2019 03:15:13 | Tin công ty | Lượt xem: 2205

Nhờ sự hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách của Chính phủ, các bộ ngành và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, sau 2 năm tái cơ cấu Công ty Cổ phần DAP-VINACHEM là doanh nghiệp đầu tiên được Chính phủ đồng ý chủ trương đưa ra khỏi danh sách 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương.

 

09-32-04_dp-vinchem
Lãnh đạo Ủy Ban Quản lý vốn Nhà nước thăm và làm việc Công ty CP DAP-VINACHEM.

Tại phiên họp thứ 8 của Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của thuộc ngành công thương ngày 6/9/2019, Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ Vương Đình Huệ đồng ý đưa Công ty cổ phần DAP-VINACHEM tại TP. Hải Phòng ra khỏi danh sách 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả vì đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, tái cơ cấu, kết quả khả quan trong thời gian qua, để giúp đơn vị này phát triển.

Trước đó, tại buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP-VINACHEM Nguyễn Văn Sinh cho biết, Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất phân bón Diamon phốt phát (DAP) công suất 330.000 tấn/năm được phê duyệt ngày 29/7/2002 là dự án nhóm A, được khởi công ngày 27/7/2003 với tổng mức đầu tư được duyệt là 2.765 tỷ đồng.

Sau khi đưa vào sản xuất thương mại, theo báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án sẽ lỗ trong 5 năm đầu đi vào sản xuất, từ năm thứ 6 mới có lãi. Tuy nhiên, ngay từ năm 2009 chạy thử dự án đã có lợi nhuận (nếu tính riêng phần chỉ phí chạy thử sang chỉ phí dự án). Các năm từ 2010 đến 2015 đều đạt lợi nhuận cao, lũy kế lợi nhuận các năm này đạt 747,065 tỷ đồng. Năm 2016, Công ty xuất hiện lỗ 461,798 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty đã thoát lỗ và đạt được lợi nhuận 14,783 tỷ đồng. Năm 2018 đạt lợi nhuận trên 227 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Sinh cho biết, tính đến 30/6/2019, Nhà máy DAP-VINACHEM đã cung ứng trên 2,32 triệu tấn phân bón DAP Đình Vũ ra thị trường, góp phần bình ổn giá phân bón trong nước, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 650 lao động tại Công ty. Lũy kế giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế từ năm 2010 đến nay đạt trên 21.300 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt trên 420 tỷ đồng.

 
 
 

Như vậy, Dự án DAP số 1 đi vào sản xuất đã góp phần đảm bảo ổn định và chủ động nguồn cung cấp phân bón chất lượng DAP cho phát triển nông nghiệp, góp phần hạn chế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ, kiềm chế việc sốt giá phân bón từ năm 2010 đến nay. Dự án đã sử dụng 100% nguyên liệu sản xuất trong nước như quặng apatit, than và một phần amoniac... giải quyết công ăn, việc làm ổn định cho hơn 650 lao động.

Ngoài ra, với tổng mức đầu tư của Dự án được duyệt là 2.765 tỷ đồng, sau khi dự án hoàn thành, giá trị quyết toán là 2.328 tỷ đồng (giảm được 437 tỷ đồng so với vốn đầu tư được duyệt). Qua 9 năm hoạt động (2010 đến 2018), lợi nhuận lũy kế đạt trên 527,19 tỷ đồng (đã trừ khoản lỗ của năm 2016).

Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Sinh, hiện tại doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do từ cuối năm 2018 đến nay, giá phân bón thị trường thế giới cũng như thị trường trong nước liên tục sụt giảm. Ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã tác động khiến Trung Quốc phải phá giá đồng Nhân dân tệ, hàng loạt hàng hoá, nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong đó có phân bón DAP bị ảnh hưởng nghiêm trọng...

Do đó, DAP-VINACHEM kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh một số nội dung trong Luật Thuế số 71/2014/QH13 về sản xuất và kinh doanh phân bón theo hướng chuyên phân bón sang danh mục mặt hàng chịu thuế GTGT. Kiến nghị Bộ Công Thương gia hạn áp dụng thuế phòng vệ thương mang đối với phân bón DAP, MAP...

Công ty CP DAP-VINACHEM kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc văn bản hướng dẫn sử dụng thạch cao PG làm vật liệu san nền (làm nền đường, vật liệu xây dựng), để có căn cứ pháp lý sử dụng đại trà. Cho phép điều chỉnh thời gian lưu giữ bã thạch cao PG từ 2 năm lên 5 năm như Báo cáo đánh giá tác động môi trường và thiết kế đã được phê duyệt. Xem xét giảm thuế VAT đối với thạch cao nhân tạo sản xuât từ bã thải góp phần bảo vệ môi trường về 0% và tăng thuế nhập khẩu thạch cao tự nhiên lên 10%.

NGUYÊN HUÂN