Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English
CÔNG TY CỔ PHẦN DAP - VINACHEM

Công ty cổ phần DAP - Vinachem

Niềm vui của nhà nông

Bộ Xây dựng chủ trì hội nghị bàn về giải pháp xử lý tro xỉ thạch cao và kiểm tra tiến độ lắp đặt, đưa vào vận hành Nhà máy chế biến thạch cao Đình Vũ

Cập nhật: 03-08-2017 08:34:44 | Tin công ty | Lượt xem: 2183

Bộ Xây dựng chủ trì hội nghị bàn về giải pháp xử lý tro xỉ thạch cao và kiểm tra tiến độ lắp đặt, đưa vào vận hành Nhà máy chế biến thạch cao Đình Vũ

Ngày 05/5/2017, tại Công ty cổ phần DAP – Vinachem, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh và Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Hồng Tịnh đã đồng chủ trì hội nghị bàn về việc thực hiện các giải pháp xử lý tro xỉ thạch cao và kiểm tra tình hình lắp đặt, đưa vận hành của Nhà máy chế biến thạch cao nhân tạo, làm phụ gia xi măng từ bã thải của nhà máy phân bón DAP Đình Vũ.

Tham dự hội nghị còn có đại diện Văn phòng Chính phủ; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên & Môi trường; Bộ Xây dựng; Tập đoàn Hóa chất Việt nam; Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) và lãnh đạo một số Nhà máy sản xuất xi măng trong nước; Về phía địa phương thành phố Hải Phòng có Ông Bùi Thanh Tùng - Phó trưởng đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố và đại điện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng …

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng gồm Vụ Vật liệu xây dựng, Vụ Khoa học công nghệ, Viện Vật liệu xây dựng đã báo cáo tổng hợp tình hình triển khai các giải pháp xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất và phân bón.  Các đại biểu dự hội nghị cũng đã kiểm tra thực tế và được nghe báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia cho đề tài: "Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, thiết kế chế tạo dây chuyền xử lý phosphogypsum (PG) của DAP Đình Vũ làm phụ gia cho xi măng và làm nguyên liệu để sản xuất tấm thạch cao xây dựng".

Tiến độ triển khai nhà máy chế biến thạch cao nhân tạo Đình Vũ:

Tại thời điểm kiểm tra, Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ đã lắp đặt hoàn chỉnh và đưa vào vận hành dây chuyền  I với công suất 650.000 tấn/năm, trong năm 2017 Công ty sẽ tiếp tục đầu tư, lắp đặt nâng công suất dây chuyền chế biến lên 1,0 triệu tấn/năm và nghiệm thu dự án. Như vậy trong thời gian tới, nếu việc tiêu thụ sản phẩm thạch cao nhân tạo được thuận lợi, Công ty sẽ nâng dần công suất vận hành nhà máy, với mục tiêu từng bước xử lý hết lượng bã thạch thải và lượng tồn dư tại bãi chứa của Công ty DAP.

Thực tế, trong thời gian qua sản phẩm thạch cao nhân tạo chế biến từ bã thải thạch cao (gypsum) của Công ty DAP, đã được đưa vào sử dụng thử đạt kết quả tốt tại các nhà máy Xi măng Hải Phòng, Hoàng Thạch, Xi măng Bút Sơn, Tam Điệp, Chinfon, …  Hiện nay, Công ty thạch cao Đình Vũ đã và đang thực hiện hợp đồng cung cấp 30.000 tấn thạch cao nhân tạo, làm phụ gia xi măng cho Công ty Xi măng Nghi Sơn (liên doanh xi măng sản xuất xi măng của Nhật Bản).

 

Cơ sở pháp lý quan trọng cho việc sử dụng thạch cao nhân tạo:

Ngày 27/4, Bộ KHCN đã có quyết định 936/QĐ- BKHCN công bố tiêu TCVN 11833:2017 thạch cao nhân tạo  dùng để sản xuất xi măng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các nhà máy sản xuất xi măng trong nước yên tâm sử dụng, từng bước thay thế thạch cao tự nhiên nhập khẩu từ nước ngoài.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017  V/v Phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 cơ bản phải xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao đảm bảo đáp ứng lượng tồn trữ tại bãi chứa của từng nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón nhỏ hơn tổng lượng phát thải của 2 năm sản xuất.

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị đánh giá cao việc Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị bàn về giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón, ngay tại một trong những “điểm nóng” là Công ty DAP – Vinachem. Hiện bãi thải của Công ty DAP đã tồn hơn 2,5 triệu tấn, hàng năm nhà máy tiếp tục thải ra khoảng 500.000 - 600.000 tấn.

Tuy nhiên để chính sách đi vào cuộc sống, rất cần sự ủng hộ của các nhà máy sản xuất xi măng trong nước, cần tích cực hơn nữa trong việc sử dụng nguồn thạch cao nhân trong nước làm phụ gia xi măng, từng bước thay thế dần nhập khẩu thạch cao từ nước ngoài, tiết kiệm ngoại tệ. Thực hiện có hiệu quả, thực chất cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Ban quản lý Website