Sản xuất thạch cao từ bã thải gyps của DAP Đình Vũ: Cần mở hướng cho đầu ra sản phẩm
Cập nhật: 03-08-2017 08:32:33 | Tin công ty | Lượt xem: 3131
Sản xuất thạch cao từ bã thải gyps của DAP Đình Vũ: Cần mở hướng cho đầu ra sản phẩm
Kỳ 1
Sau hơn 6 năm ròng rã nghiên cứu và thử nghiệm, từ đầu năm 2017, sản phẩm thạch cao nhân tạo của Công ty cổ phần thạch cao Đình Vũ với nguyên liệu chính là bã thải gyps của DAP Đình Vũ đã bước đầu được thị trường chấp nhận. Một số công ty xi măng đã ký hợp đồng mua thạch cao nhân tạo của công ty để làm phụ gia xi măng. Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn bởi đầu ra cho sản phẩm vẫn hết sức khó khăn.
6 năm gian nan
Đây là những nỗi niềm trăn trở của lãnh đạo Công ty cổ phần (CP) DAP- Vinachem và Công ty CP thạch cao Đình Vũ trong nhiều năm qua, nhất là khi bãi thải gyps cứ ngày một lớn dần lên, trở thành tâm điểm bức xúc của dư luận về môi trường. Nhiều lần thất bại, nhiều khi nản chí, chịu nhiều áp lực, đã có lúc dự án tưởng chừng phải buông bỏ. Nhưng với ý chí, với quyết tâm cao, đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ sư, công nhân vẫn kiên trì, nhẫn nại đến cùng.
Tổng Giám đốc Công ty CP DAP – Vinachem Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời điểm dự án DAP Đình Vũ được phê duyệt ( 2002), ở Việt Nam chưa có công nghệ về chế biến, sử dụng bã gyps. Vì vậy, dự án được cấp diện tích đất 42 ha để lưu trữ bã gyps trong khoảng 20 năm cho cả đời dự án. Bên cạnh đó, quyết định phê duyệt dự án cũng yêu cầu Tổng công ty hóa chất và Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam nghiên cứu chế biến bã thải gyps làm phụ gia xi măng. Ngay sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động (năm 2009), công ty đã tích cực hợp tác với nhiều đối tác trong nước và nước ngoài để nghiên cứu, triển khai các phương án sử dụng bã gyps. Năm 2019, Công ty CP thạch cao Đình Vũ được thành lập với phần vốn góp chủ yếu là của Công ty CP Sông Đà- Cao Cường; Công ty DAP và một số cổ đông bên ngoài khác.
Công nhân công ty cổ phần Thạch Cao Đình Vũ trong dây chuyền sản xuất thạch cao từ bã thải gyps của DAP Đình Vũ. Ảnh: Duy Lân |
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP thạch cao Đình Vũ Nguyễn Chu Dương, ngay sau khi được thành lập, công ty huy động vốn và triển khai dự án, chủ động phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu công nghệ, tổ chức nhiều đoàn cán bộ đi nghiên cứu, học hỏi ở nước ngoài. Nhưng đây là lĩnh vực công nghệ chưa được quan tâm phổ biến nhiều ở các nước, chủ yếu vẫn là xử lý sơ bộ rồi đem chôn lấp, chưa có công nghệ hoàn thiện để công ty học tập. Mặt khác, nhu cầu sử dụng thạch cao nhân tạo ở các nước không nhiều vì có sẵn nguồn thạch cao tự nhiên, chỉ có một số nước nghiên cứu xử lý ở mức độ nhất định, nên không thể nhập được thiết bị công nghệ đồng bộ để sản xuất. Do đó, công ty huy động các nhà khoa học, các đối tác trong và ngoài nước để nghiên cứu, thiết kế, chế tạo đồng bộ dây chuyền công nghệ. Công ty DAP Đình Vũ dành 3 ha đất xây dựng nhà máy; ký biên bản thỏa thuận với Tổng công ty VICEM về triển khai dự án sản xuất thạch cao nhân tạo (Tổng công ty VICEM là cổ đông chi phối và chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm). Đồng thời liên hệ, phối hợp với một số đối tác Nhật Bản (Công ty Tskishima Kikai thuộc Tập đoàn Chyoda; Tập đoàn Amita), Hàn Quốc và nhiều đơn vị trong nước để nghiên cứu đưa ra giải pháp hữu ích nhất cho sản xuất thạch cao nhân tạo từ bã thải gyps. Như vậy, quá trình nghiên cứu, đầu tư, tổ chức sản xuất, liên hệ với các công ty xi măng để thử nghiệm và hoàn chỉnh sản phẩm, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chất lượng khá dài với biết bao gian khó.
Những thành quả bước đầu
Sự kiên trì, lòng quyết tâm của các cán bộ, kỹ sư, công nhân cuối cùng đã được đền đáp khi ngay trong những tháng đầu của năm 2017, sản phẩm thạch cao nhân tạo sản xuất từ bã thải gyps đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật và đi tới thành công. Đến tháng 5-2017, công ty hoàn thành giai đoạn 1 của dự án với công suất đạt 650.000 tấn/năm. Một số công ty xi măng như Bút Sơn, Hoàng Thạch, Hải Phòng, Tam Điệp… đã thí điểm sử dụng thạch cao nhân tạo của công ty để làm phụ gia xi măng. Đặc biệt, sau nhiều lần thử nghiệm, Công ty xi măng Nghi Sơn với vốn đầu tư của Nhật Bản chính thức ký hợp đồng mua thạch cao nhân tạo của công ty để phục vụ sản xuất xi măng cho cả năm 2017. Công ty đã cung cấp 30.000 tấn thạch cao cho Công ty xi măng Nghi Sơn và tiếp tục cấp thêm khối lượng lớn trong thời gian tới. Công ty cũng đang triển khai cung cấp cho các nhà máy xi măng phía Bắc trong thời gian tới như xi măng Sông Thao, xi măng Thăng Long…
Niềm vui lớn nhất là sau khi sản phẩm được thử nghiệm tại Viện Vật liệu xây dựng và đưa vào sản xuất công nghiệp tại các nhà máy xi măng như Hoàng Thạch, Hải Phòng, Bút Sơn, Tam Điệp, Nghi Sơn… và được đánh giá đạt yêu cầu về chất lượng để sản xuất xi măng, công nghệ xử lý phosphogypsum đã được hội đồng khoa học của Bộ Khoa học - Công nghệ (KHCN) thẩm định và đồng ý cho triển khai thực hiện đề tài cấp Nhà nước tại QĐ số 91 của Bộ trưởng Bộ KHCN, giao Công ty CP Sông Đà Cao Cường chủ trì thực hiện đề tài. Từ đó, sau khi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định, công ty sẽ tiếp tục lắp đặt bổ sung và hoàn thiện đồng bộ dây chuyền công nghệ theo đề tài khoa học cấp Nhà nước đã được phê duyệt, dự kiến trong năm 2017 đạt công suất 1,2 triệu tấn thạch cao bột và 1 triệu tấn thạch cao viên.
Đây là thành quả bước đầu rất quan trọng và rất đáng ghi nhận. Nhưng ý nghĩa hơn cả là góp phần giải quyết mối quan tâm chung của toàn xã hội, của người dân thành phố Hải Phòng và cả Công ty DAP Đình Vũ khi với công suất này, mỗi năm sẽ xử lý được khoảng 1,4 triệu tấn bã gyps (lượng bã gyps hiện tại của DAP Đình Vũ là 2,5 triệu tấn).
(Còn tiếp)
Hồng Thanh
Nguồn: Báo Hải Phòng - www.baohaiphong.com.vn