Đại dịch Covid 19: Các Bộ, Ngành đồng thuận để “cứu” ngành phân bón
Cập nhật: 21-04-2020 07:27:24 | Tin tập đoàn | Lượt xem: 963
Đại dịch Covid 19: Các Bộ, Ngành đồng thuận để “cứu” ngành phân bón
Để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho ngành sản xuất phân bón trong nước duy trì và phát triển ổn định, bền vững, tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu, nhất là trong thời điểm dại dịch Covid-19 đang hoành hành, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng từ 0%-5% và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn trong kỳ họp tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã ký ban hành Công văn số 2593/BCT-HC ngày 13/4/2020, gửi Bộ Tài chính về việc điều chỉnh, sửa đổi quy định tại Luật thuế 71 đối với sản xuất phân bón. Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức 0% hoặc 5% như trước đây sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phân bón.
Bộ Công Thương có ý kiến rất cụ thể: Phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng đã gây nhiều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước: Căn cứ vào quy định tại Khoản 1, Điều 3, Luật số 71/2014/QH13, phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp…, là mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng, có nghĩa là doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế giá trị gia tăng của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. “Trên cơ sở đó toàn bộ chi phí phát sinh được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản xuất phân bón. Ước tính, khi thực hiện Luật 71/2014/QH13 (1/1/2015) thì giá thành phân đạm tăng 7,2% - 7,6%; phân DAP tăng 7,3% - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5% - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2% - 6.1%”- Bộ Công Thương nêu rõ.
Sản xuất phân bón tại Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao
Bộ Công Thương nhận định, tăng chi phí sản xuất sẽ giảm sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, người nông dân sẽ phải mua phân bón với giá cao hơn do phải chịu cộng thuế GTGT đầu vào (theo các số liệu thống kê, số thuế giá trị không được khấu trừ tính vào chi phí của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam trong 5 năm (2015-2019) là hơn 3.646 tỷ đồng, cụ thể: Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc trên 612 tỷ đồng, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao 721 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình 800 tỷ đồng; Công ty CP DAP1- Vinachem là 527 tỷ đồng, DAP2- Vinachem gần 447 tỷ đồng, Công ty CP Lân Ninh Bình 159 tỷ đồng, Công ty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển 256 tỷ đồng, Công ty CP Phân bón miền Nam trên 185 tỷ đồng...)
Điều này làm cho giá thành sản phẩm phân bón tăng từ 5 - 8%, dẫn đến giá phân bón đến tay nông dân cũng bị tăng theo. Kéo theo đó là chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp của nông dân cũng tăng lên đáng kể, do phân bón là vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, chiếm khoảng 40-50% tổng chi phí đầu tư.
Vì thế, sự thay đổi chính sách thuế GTGT theo Luật 71/2014/QH13 đã không thể giúp nông dân hưởng lợi từ giá phân bón như mục tiêu đề ra ban đầu của chính sách thuế này. Nhất là trong hoàn cảnh nền nông nghiệp và nông dân cả nước đang lâm vào khó khăn do dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, hạn mặn kéo dài và nghiêm trọng như hiện nay.
Như vậy, việc quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu GTGT tăng không những không tạo điều kiện cho người nông dân được hưởng giá phân bón thấp mà vô hình chung đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu, tăng sức ép đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, dẫn đến khả năng nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng sản xuất, đây là thiệt thòi lớn cho ngành công nghiệp trong nước, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và lãng phí nguồn lực xã hội.
Bộ Công Thương cho rằng, việc sửa đổi điều chỉnh quy định theo hướng đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là cần thiết, nhất là trong thời điểm doanh nghiệp đang chịu khó khăn kéo dài do tác động của một số chính sách và tác động của dịch bệnh Covid 19 thì việc điều chỉnh là phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 27 tháng 2 năm 2020 về phòng, chống dịch Covid 19: “Công tác phòng chống dịch Covid 19 là nhiệm vụ trọng tâm nhưng nhiệm vụ thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh cũng phải được quan tâm, chỉ đạo…”, các bộ ngành khẩn trương đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ các gói chính sách hỗ trợ về tín dụng, thuế, xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa, kể cả các giải pháp theo quy định phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội nếu thấy thực sự cần thiết”.
Đồng thời, việc điều chỉnh thuế 71/2014/QH13 cũng là phù hợp với quy định chung về thuế giá trị gia tăng với sản xuất phân bón của nhiều quốc gia trên thế giới.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 03 tháng 3 năm 2020 Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, trước đấy là văn bản gửi Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để có thể sớm sửa Luật thuế 71/2014/QH13.
Tại công văn số 0337/PTM-KHTH, ngày 17 tháng 3 năm 2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có đề nghị các Hiệp hội và Doanh nghiệp tiếp tục phản ánh những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị các giải pháp cụ thể về VCCI để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Sản phẩm phân bón của Công ty CP Phân bón Bình Điền
Để phúc đáp văn bản trên của VCCI và trước tình hình hết sức khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước; đồng thời để “cứu” các doanh nghiệp có “đất sống”, Hiệp hội Phân bón Việt Nam liên tiếp có các văn bản: văn bản số 243/HHPBVN, ngày 27 tháng 3 năm 2020 gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị sửa luật thuế 71; văn bản số 279/HHPBVN, ngày 13 tháng 4 năm 2020 gửi Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ban chỉ đạo của Chính phủ thực hiện đề án 1468…kiến nghị Bộ Tài chính và các bộ có liên quan báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để có thể sửa đổi Luật thuế số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế là 0% -5%.
Trong suốt hơn 5 năm qua, một chính sách thuế (Luật thuế số 71/2014/QH13) bất hợp lý đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, trong tình hình hiện nay khi ngành phân bón đang đứng trước khó khăn thách thức vô cùng lớn bởi đại dịch Covid 19, việc Chính phủ, Quốc hội sớm sửa đổi Luật thuế 71 chính là “liều thuốc” quan trọng giúp nông dân và doanh nghiệp sản xuất phân bón vượt qua giai đoạn khó khăn này để ổn định ngành sản xuất phân bón trong nước và cũng chính là ổn định nền nông nghiệp nước nhà./.
Hồng Liên