Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English
CÔNG TY CỔ PHẦN DAP - VINACHEM

Công ty cổ phần DAP - Vinachem

Niềm vui của nhà nông

DAP Hải Phòng: Đã mở được đầu ra cho sản phẩm chế biến từ bã thải

Cập nhật: 13-07-2021 03:39:38 | Tin tập đoàn | Lượt xem: 846

DAP Hải Phòng: Đã mở được đầu ra cho sản phẩm chế biến từ bã thải

Từ tháng 3/2021 đến nay, sản lượng tiêu thụ thạch cao đến các nhà máy xi măng đã tăng mạnh, mỗi tháng từ 30.000 - 35.000 tấn. Lượng thạch cao chế biến và tiêu thụ cơ bản cân bằng với lượng thạch cao PG phát sinh trong quá trình sản xuất của Công ty DAP.

Nhiều năm qua, dư luận xã hội quan tâm, thường xuyên đặt câu hỏi với đống chất thải cao như núi của nhà máy sản xuất phân bón DAP Hải Phòng. Đó cũng là mối quan tâm lớn, là trăn trở của lãnh đạo Công ty từ khi mới đi vào hoạt động. Làm gì để xử lý chất thải thành sản phẩm hữu ích cho xã hội, tìm được đầu ra cho sản phẩm sau chế biến, đảm bảo chiến lược lâu dài hướng tới nền kinh tế xanh?.

Việc xử lý, tái chế bã thải thạch cao không phải là vấn đề mới ở trên thế giới, nhưng lại xuất hiện lần đầu ở Việt Nam. Trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón Diamoni Phosphat tại Hải Phòng, có nêu rõ giải pháp chế biến bã thải thạch cao PG làm phụ gia xi măng và vật liệu xây dựng.

Năm 2010, Công ty cổ phần Thạch Cao Đình Vũ ra đời. Liền 6 năm, Công ty đã nỗ lực tìm tòi, vừa chạy thử vừa hiệu chỉnh, thậm chí đập đi làm lại, tìm cách giảm giá thành sản phẩm để có thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Khó khăn, có lúc tưởng chừng bỏ cuộc, nhưng với tâm huyết, sau nhiều lần hiệu chỉnh về công nghệ và thiết bị, đến năm 2017 dây chuyền tái chế bã thạch cao đã được hoàn thiện và đi vào vận hành, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn TCVN 11833: 2017 thạch cao PG dùng để sản xuất xi măng. Tuy nhiên, khó khăn lại đến do phải chịu sự cạnh tranh áp đảo của sản phẩm thạch cao tự nhiên nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam. Giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020, lượng thạch cao tiêu thụ rất hạn chế, mỗi năm chỉ được 30% công suất thiết kế.

Tình hình bắt đầu có những chuyển biến tích cực, mang tính thay đổi cục diện bắt đầu từ những tháng đầu năm 2021. Sau nhiều năm kiên trì giới thiệu sản phẩm thạch cao sau chế biến đạt chất lượng đến các nhà máy xi măng, quá trình đưa phối liệu và đánh giá trong thời gian dài của các nhà sản xuất xi măng, cộng với những thay đổi tích cực từ thị trường, khi giá thạch cao nhập khẩu tăng, đã khiến sản lượng tiêu thụ thạch cao tăng vọt.

Từ tháng 3/2021 đến nay, sản lượng tiêu thụ thạch cao đến các nhà máy xi măng tăng mạnh, mỗi tháng tiêu thụ từ 30.000 - 35.000 tấn, lượng thạch cao chế biến và tiêu thụ cơ bản là cân bằng với lượng thạch cao PG phát sinh trong quá trình sản xuất của Công ty DAP.

Việc tăng được sản lượng tiêu thụ thạch cao là tin vui với các đơn vị sản xuất phân bón DAP trong nước; giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường và đáp ứng tiêu chí nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Nói đến những truân chuyên tái chế chất thải của DAP Hải Phòng, không thể không nhắc tới nhà khoa học Kiều Văn Mát - người được trao tặng Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam - VIFOTEC năm 2008 khi thành công trong việc chế biến tro bay của nhà máy nhiệt điện Phả Lại làm vật liệu xây dựng. Từ năm 2010, khi nhà máy DAP Đình Vũ mới bắt đầu đi vào hoạt động, ông và lãnh đạo của Công ty DAP - Vinachem đã đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc để tới các Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhằm tìm tòi, học hỏi công nghệ tái chế bã thải thạch cao PG. Thành công ngày hôm nay của Công ty cổ phần Thạch Cao Đình Vũ, có bóng dáng và đóng góp không nhỏ của ông Kiều Văn Mát.

Thời gian tới, nhằm hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ về giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón hóa chất, rất cần có sự chia sẻ, ủng hộ tích cực của các đơn vị sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng trong nước. Mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra một khoản ngoại tệ không nhỏ để nhập khẩu từ 3,5 – 4 triệu tấn thạch cao nhằm phục vụ cho ngành sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng. Để tiêu thụ sản phẩm thạch cao nhân tạo trong nước sản xuất, cần có sự quan tâm ủng hộ hơn nữa về mặt cơ chế, chính sách đối với các sản phẩm tái chế từ chất thải, cụ thể là cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, để các nhà máy xi măng tích cực sử dụng thạch cao nhân tạo sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu. Trao đổi với báo chí, Tổng Giám đốc DAP Hải Phòng Vũ Văn Bằng khẳng định, một trong những giải pháp quan trọng để hỗ trợ, đó là các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét, giảm thuế VAT đối với thạch cao nhân tạo sản xuất từ bã thải, coi đây cũng là một giải pháp góp phần bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, DAP Hải Phòng cũng đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Xây dựng về việc sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, văn bản hướng dẫn sử dụng thạch cao PG làm vật liệu san nền, để có căn cứ pháp lý cho các đơn vị sử dụng, nhằm gia tăng thêm các giải pháp tiêu thụ bã thải thạch cao nhằm tiến tới giảm lượng tồn trữ tại bãi chứa./.

Nguồn: Dangcongsan.vn