Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam - 50 năm hình thành và phát triển
Cập nhật: 09-10-2019 06:48:34 | Tin tập đoàn | Lượt xem: 1096
Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam - 50 năm hình thành và phát triển
Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam ra đời gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, ngành công nghiệp hóa chất được hình thành để bảo đảm mục tiêu phục vụ quốc phòng, nông nghiệp và dân sinh. Tại những công binh xưởng sản xuất vũ khí, thuốc nổ, hóa chất ở Việt Bắc, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, một loạt các nhà máy hóa chất như Supe Phốt phát Lâm Thao, Hóa chất Việt Trì, Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội, mỏ Apatit Lào Cai, Pin Văn Điển, Phân lân Văn Điển được xây dựng và đưa vào hoạt động.
Nghị định của của Hội đồng Chính phủ quy định chức năng và chức năng tổ chức bộ máy của Tổng cục Hóa chất
Để đánh dấu bước phát triển của ngành Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, ngày 19/8/1969 Tổng cục Hóa chất đã được thành lập. Trong 20 năm (1969-1989) hoạt động với tư cách là một ngành kinh tế - kỹ thuật độc lập, Tổng Cục Hóa chất đã có bước phát triển lớn về quy mô, năng lực sản xuất, cơ cấu sản phẩm. Những năm 1969 -1975, các đơn vị trong Tổng cục vừa làm tốt công tác sản xuất vừa trực tiếp chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ vừa chi viện đắc lực cho cách mạng miền Nam góp phần làm nên thắng lợi Mùa Xuân 1975 thống nhất đất nước. Sau chiến thắng năm 1975, Tổng cục Hóa chất mở rộng phạm vi quản lý trên toàn quốc. Trong điều kiện mới, Tổng cục Hóa chất tiến hành sắp xếp lại tổ chức và lãnh đạo toàn ngành thực hiện thắng lợi các kế hoạch Nhà nước giao. Đặc biệt, trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986-1989), Tổng cục Hóa chất đã lãnh đạo toàn ngành chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường và đã nhanh chóng vượt qua nhiều thử thách, giành được những thành tựu lớn, tiếp tục giữ vững vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.
Bước sang năm 1990, hoạt động của ngành hóa chất có nhiều thay đổi quan trọng, trong đó có công tác tổ chức bộ máy. Thực hiện, Nghị quyết số 244/NQ-HĐNN, ngày 31-3-1990 về việc thành lập, đổi tên một số Bộ, Ủy ban nhà nước và giải thể một số Tổng cục, Hội đồng Nhà nước đã quyết định giải thể Tổng Cục Hóa chất và ban hành quyết định thành lập Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất cơ bản (Tổng Công ty Hóa chất I) theo Quyết định số 152-HĐBT. Tiếp đó, ngày 10/7/1990 Bộ Công nghiệp nặng đã ra Quyết định số 238-QĐ/BCNg về việc thành lập Tổng Công ty Hóa chất công nghiệp và Hóa chất tiêu dùng (Tổng Công ty Hóa chất II). Hai Tổng Công ty hoạt động dưới sự quản lý Nhà nước trực tiếp của Bộ Công nghiệp nặng, đồng thời chịu sự quản lý Nhà nước của các Bộ, Ủy ban Nhà nước khác về những vấn đề có liên quan theo pháp luật hiện hành. Đảm nhiệm vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, kể từ khi thành lập, Tổng Công ty Hóa chất I và Tổng Công ty Hóa chất II đã chủ động và sáng tạo, từng bước vượt qua thách thức, hoạt động dần đi vào ổn định và ngày càng hiệu quả. Phần lớn các đơn vị thành viên của hai Tổng Công ty từng bước nâng cao được năng lực sản xuất cũng như trình độ công nghệ, kỹ thuật. Các sản phẩm làm ra đã có sức cạnh tranh, nhiều sản phẩm không chỉ có uy tín với bạn hàng trong nước mà còn được xuất khẩu như chất tẩy rửa, phân lân nung chảy, ắcquy, săm lốp ôtô, xe đạp...
Vào cuối năm 1995, Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam (Vinachem) được thành lập trên cơ sở hợp nhất Tổng Công ty Hóa chất I và Tổng Công ty Hoa chất II. Việc ra đời một Tổng Công ty thống nhất nhằm tăng cường tích tụ, tập trung, phân công chuyên môn hoá và hợp tác sản xuất để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, nâng cao khả năng và hiệu quả kinh doanh của các đơn vị thành viên và của toàn Tổng Công ty, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Tiếp theo đó, thực hiện chủ trương về đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập Công ty mẹ - Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam. Trong quá trình hoạt động theo mô hình này, những kết quả đạt được tạo cho Công ty mẹ có thêm tiềm lực về vốn để đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết và các ngành kinh tế khác. Với mô hình Công ty mẹ - Công ty con, Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam đã từng bước khắc phục được những nhược điểm của mô hình Tổng Công ty trước đây.
Trong xu thế chung về hội nhập khu vực và thế giới, để thích nghi và bắt kịp ngành công nghiệp hóa chất thế giới, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước, tháng 12/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định về việc thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Sự ra đời của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam là dấu ấn lịch sử quan trọng trên chặng đường xây dựng và phát triển của ngành hóa chất Việt Nam; tạo ra thế và lực mới để phát triển ngành trong thời kỳ mới.
Với mô hình là một Tập đoàn kinh tế, Vinachem tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong việc phát triển các ngành trong lĩnh vực hóa chất, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khai thác triệt để thế mạnh các tài nguyên, chủ động được nguyên liệu đầu vào, hạn chế nhập khẩu nguyên liệu và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu Vinachem ra thị trường nước ngoài. Vinachem đã tích cực đầu tư, mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động; cơ cấu lại và đa dạng hóa sở hữu các đơn vị thành viên; kinh doanh tập trung vào ngành nghề chính; huy động được các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu trọng điểm, các chiến lược phát triển quan trọng; tích cực nghiên cứu, triển khai ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, chú trọng nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, tay nghề của đội ngũ công nhân kỹ thuật và người lao động trong các doanh nghiệp, tạo điều kiện quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng thành tập đoàn kinh tế mạnh, có tầm cỡ trong khu vực, làm nòng cốt để Việt Nam chủ động và thực hiện có hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng, phải cạnh tranh gay gắt với thị trường trong nước vầ quốc tế, Tập đoàn đã có những phát triển vượt bậc và toàn diện trên các mặt sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản, lao động sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, công tác xã hội từ thiện. Nhiều ngành hàng chủ lực mang thương hiệu Vinachem ngày càng được thị trường trong và ngoài nước biết đến như: phân bón, săm lốp cao su, pin - ắcquy, chất giặt rửa, thuốc bảo vệ thực vật … Hầu hết sản phẩm trong ngành đều có thương hiệu nổi tiếng, liên tục đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, được các nhà phân phối và người tiêu dùng tin tưởng. Theo đó, từ năm 2009 đến nay, doanh thu của Vinachem đã tăng từ 24 nghìn tỷ đồng lên 47,9 nghìn tỷ đồng vào năm 2018. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 1.768 tỷ đồng trong năm 2018. Bên cạnh đó,Vinachem luôn đảm bảo và ổn định việc làm cho gần 27.000 CBCNV với thu nhập bình quân đạt 8,8 triệu đồng/ người/ tháng.
Có thể nói, Vinachem đã khẳng định được thương hiệu, sức bật của một Tập đoàn đi đầu trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Uy tín và chất lượng đã giúp các sản phẩm của Vinachem có được chỗ đứng vững chắc với người tiêu dùng Việt Nam trong phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ghi nhận những đóng góp to lớn của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam nói riêng, Ngành Hóa chất Việt Nam nói chung, ngày 24/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1948/QĐ-TTg lấy ngày 19/8 hàng năm là “Ngày truyền thống Ngành Hóa chất Việt Nam” và giao cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam kế thừa gìn giữ và phát huy truyền thống vẻ vang của Ngành.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, với nhiều tên gọi khác nhau, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam vẫn luôn phát huy lòng yêu nước, đoàn kết, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn thử thách, nắm bắt thời cơ, vận hội, thi đua phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành, góp phần thiết thực đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và chủ quyền của đất nước. Qua đó, Vinachem đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu thi đua và nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2004, 2009), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1985), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 1999, 2014); nhiều Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động và danh hiệu Anh hùng lao động cho các tập thể, cá nhân; cùng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bộ, Ban ngành Trung ương, …
Phát huy truyền thống và sức mạnh của 50 năm qua, trong thời gian tới, toàn thể ban lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên toàn Tập đoàn sẽ tiếp tục nỗ lực đưa Tập đoàn ngày một phát triển bền vững.