VINACHEM: Kỷ niệm 50 năm Truyền thống Ngành Hóa chất
Cập nhật: 16-11-2019 02:11:26 | Tin tập đoàn | Lượt xem: 934
VINACHEM: Kỷ niệm 50 năm Truyền thống Ngành Hóa chất
Ngày 12/10/2019, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Truyền thống Ngành Hóa chất Việt Nam (1969 - 2019).
Tới dự lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp; đồng chí Cao Quốc Hưng, thứ trưởng Bộ Công Thương cùng toàn thể các lãnh đạo, đại biểu đại diện các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và địa phương.
Tại buổi lễ, thay mặt Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, đồng chí Phùng Quang Hiệp - Phó Tổng giám đốc phụ trách Tập đoàn đã ôn lại chặng đường hình thành và phát triển đi lên của ngành Hóa chất Việt Nam.
Ngành Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã hình thành và phát triển từ những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đây là giai đoạn khó khăn và đầy thử thách của đất nước nói chung và ngành công nghiệp Hóa chất nói riêng. Các thế hệ cán bộ, công nhân viên của ngành hóa chất vừa lao động, vừa sản xuất, vừa tham gia chiến đấu trong điều kiện hết sức thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị, nhưng với lòng dũng cảm và sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn và thử thách, Ngành công nghiệp hóa chất vẫn đạt được những thành tựu đáng kể, một trong những thành tựu quan trọng là đã xây dựng được các nhà máy lớn như Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao, Nhà máy Hóa chất Việt Trì, Nhà máy Phân lân Nung chảy Văn Điển và các nhà máy khác.
Sự kiện Tổng cục Hóa chất được thành lập ngày 19/8/1969 là mốc son quan trọng đánh dấu sự phát triển của ngành Công nghiệp hóa chất. Các hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành đã được tập trung và phát triển có chiến lược. Trong vòng 10 năm (1965 - 1975) vừa chiến đấu, vừa sản xuất công nghiệp hóa chất vẫn đạt tốc độ tăng trưởng đáng kể. Giá trị tổng sản lượng năm 1975 bằng 2,25 lần so với năm 1965. Thời kỳ này công nghiệp hóa chất là một trong những ngành thể hiện rõ rệt tính chủ đạo công nghiệp quốc doanh với 24 nhà máy xây dựng mới trong vòng 1 thập kỷ. Các doanh nghiệp nhà nước đã đảm bảo gần 70% giá trị tổng sản lượng toàn ngành.
Kết quả 5 năm 1981 - 1985 và giá trị tổng sản lượng 1985 bằng 2,8 lần so với 1980 và đưa công nghiệp hóa chất trở thành ngành công nghiệp có tỷ trọng cao nhất chiếm 10,6% ngành công nghiệp.
Thực hiện đường lối của Đảng, bước vào kế hoạch 5 năm 1991 - 1995 ngành hóa chất đã có chuyển biến căn bản khi chuyển sang quản lý theo cơ chế thị trường định hướng XHCN. Với sự chuyển đổi mạnh mẽ, Công nghiệp hóa chất đã thực sự chuyển mình về cả lượng và chất, đây là thời kỳ tạo ra tiền đề rất quan trọng để CNHC phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Năm 1995 Tổng Công ty Hóa chất được thành lập theo mô hình tổng công ty 91. Đây là giai đoạn hết sức khó khăn vì đa số các nhà máy thuộc Tổng công ty có công nghệ thiết bị cũ, cán bộ quản lý không có điều kiện cập nhật kiến thức mới, đầu tư sở hữu công nghệ thiết bị cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường, thị trường nông sản trong nước chưa phát triển, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ của khu vực cũng như xung đột chính trị ở Trung Đông làm Tổng Công ty mất đi một số khách hàng truyền thống, hàng xuất khẩu giảm mạnh. Tuy nhiên nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả của lãnh đạo các cấp. Tập thể lãnh đạo Tổng Công ty đã chủ động, sáng tạo đưa tổng công ty vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Trong 5 năm 1996-2000 tốc độ tăng trưởng bình quấn đạt 15,6% và là đơn vị có tốc độ tăng trưởng cao trong ngành công nghiệp. năm 2000 giá trị tổng sản lượng bằng 2,14 lần, doanh thu bằng 2 lần so với năm 1996, nộp ngân sách và lợi nhuận không ngừng tăng lên.
Thực hiện Quyết định số 51/QĐ-TTg ngày 11/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 năm 2001 - 2005 với mục tiêu từng bước xây dựng ngành công nghiệp hóa chất hiện đại, hình thành các khu công nghiệp tập trung, các tổ hợp hóa chất cơ bản quy mô lớn, với công nghệ tiên tiến, sử dụng hiệu quả tài nguyên trong nước, đáp ứng thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Giai đoạn này đã có nhiều dự án được đầu tư và hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả và đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành.
Thực hiện quyết định số 89/QD-TTg và Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con, Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam đã tăng nhanh năng lực sản xuất kinh doanh, tiếp tục đóng góp lớn cho việc bảo đảm cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa thiết yếu cho nền kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách, giữ vai trò chủ đạo trong ngành sản xuất phân bón và một số lĩnh vực then chốt cho nền kinh tế, giai đoạn này Tổng Công ty tập trung nghiên cứu triển khai đầu tư một số dự án lớn như dự án DAP Hải Phòng, dự án Nhà máy tuyển Bắc nhạc Sơn... Bên cạnh đó, Tổng Công ty đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tập trung khai thác có hiệu quả các dây chuyền sản xuất hiện có, nhờ đó trong 3 năm 2006 - 2009 Tổng Công ty đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng. giá trị sản xuất công nghiệp năm 2009 tăng 22,5%, doạnh thu tăng 54,5%, lợi nhuận tăng 2,78 lần, vốn chủ sở hữu tăng 1,07 lần so với năm 2006. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều vượt so với chỉ tiêu đề ra.
Ngày 23/12/2009 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 2179/QĐ-TTg phê duyệt đề án thí điểm thành lập Tập đoàn công nghiệp hóa chất Việt Nam. Năm 2010, Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, đây là dấu mốc quan trọng trong chặng đường xây dựng và phát triển của Tập đoàn. tạo ra thế và lực mới để phát triển ngành hóa chất trong thế kỷ mới, Tập đoàn tiếp tục vai trò nòng cốt trong việc phát triển lĩnh vực hóa chất phù hợp với chiến lược phát triển của đất nước, khai thác sử dụng tiết kiệm tài nguyên, chủ động nguyên liệu đầu vào, hạn chế nhập khẩu nguyên liệu.
Kế hoạch phát triển 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua 3 năm triển khai kế hoạch 2011 - 2013 sản xuất kinh doanh của Tập đoàn cơ bản đạt mục tiêu đề ra, các chỉ tiêu chính đạt kế hoạch và có mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, lợi nhuận đạt khá, đặc biệt mặc dù chịu sự bất lợi của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, đảm bảo việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động.
Trong điều kiện thị trường còn khó khăn, giá các loại sản phẩm giảm mạnh, chi phí tăng cao, cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu nhưng kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn giai đoạn 2016 - 2018 vẫn có tăng trưởng về doanh thu, đảm bảo việc làm thường xuyên cho người lao động, thu nhập bình quân được cải thiện.
Ngày 5/1/2018 Thủ tướng chính Phủ ban hành Quết định số 16/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020. Đề án chỉ rõ mục tiêu phát triển Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, đó là: Bảo đảm Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có cơ cấu hợp lý, tập trung vào các ngành, nghề kinh doanh chính. tập trung sản xuất kinh doanh hóa chất cơ bản và sản phẩm hóa chất phục vụ cho công nghiệp tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nâng cao năng lực hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của Tập đoàn. Hiện nay Tập đoàn đang quyết liệt thực hiện Đề án tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ hướng tới xây dựng Tập đoàn ngày càng chuyên nghiệp và phát triển bền vững.
50 năm qua ngành hóa chất chất việt nam đã ghi đậm dấu ấn của một chặng đường đầy thử thách cũng như đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận để đến hôm nay ngành hóa chất Việt Nam tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong tương lai Tập đoàn nhận thức rằng Ngành Công nghiêp Hóa chất đang đứng trước những thử thách gay gắt trong quá trình đổi mới phát triển chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phấn đấu trở thành tập đoàn kinh tế mạnh đủ sức cạnh tranh với các công ty trong khu vực và trên thế giới. Tập đoàn chú trọng công tác phát triển nguồn lực chất lượng cao, tăng cường công tác quản trị , đưa ra cơ chế đúng đắn trong phát triển khoa học công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Thay mặt cho thế hệ đi trước, ông Lê Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Chủ tịch Hội Hóa học Việt nam cho rằng trải qua nhiều khó khăn, ngành công nghiệp hóa chất đã được thừa nhận là một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, với một loạt các nhà máy được xây dựng và đi vào hoạt động, sản xuất ra nhiều hóa chất cơ bản mới và sản phẩm tiêu dùng chất lượng. Đồng thời Ông cũng chia sẻ với những khó khăn của Tập đoàn trong bối cảnh mới, theo đó, là một đơn vị sản xuất kinh doanh, chịu nhiều ảnh hưởng của diễn biến kinh tế thế giới cũng như tình hình thị trường trong nước, Vinachem không thể tránh khỏi việc rơi vào thời kỳ khó khăn như hiện nay. Ông cũng nhấn mạnh “Kỷ niệm 50 năm, ôn lại truyền thống ngành Hóa chất không phải chỉ để chúng ta tự hào, mà từ đó cần rút ra được kinh nghiệm để vượt qua khó khăn”, đồng thời cho rằng bài học lớn mà Vinachem cần chú trọng nếu muốn đi lên là phải xây dựng được đội ngũ lãnh đạo và chuyên môn có kỷ cương, am hiểu ngành nghề của mình, chủ động tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới để làm chủ thiết bị, dây chuyền hiện đại.
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Cao Quốc Hưng, thứ trưởng Bộ Công Thương thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương chúc mừng những thành tích xuất sắc mà những thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên, người lao động Tập đoàn hóa chất Việt Nam trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển trong 50 năm qua Đồng chí khẳng định: "Trong thời gian qua Tập đoàn hóa chất Việt Nam đã triển khai rất quyết liệt các nhiệm vụ được giao và đạt được những thành tích tích cực góp phần vào sự phát triển kinh tế, của đất nước được Đảng, Chính phủ, Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao".
Đồng chí nhấn mạnh: Hiện nay nền kinh tế nước ta đang chuyển qua quyết liệt tái cơ cấu. Mỗi cán bộ, cá nhân trong toàn ngành có nhận thức sâu sắc và nỗ lực phát huy những thành quả đã đạt được, tích cực đổi mới, sáng tạo, tranh thủ cơ hội và khắc phục khó khăn, thách thức, tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đầu đưa những đơn vị đang còn khó khăn trở lại hoạt động hiệu quả. Trước yêu cầu đổi mới ngày càng gay gắt, để tiếp nối những thành công mà ngành hóa chất Việt Nam đã đạt được, lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, kinh nghiệm vốn có, sự đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng đã có được trong 50 năm qua, tiếp thu tri thức mới để mạnh dạn đổi mới, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản phẩm, dịch vụ của Tập đoàn.
Đồng chí cũng tin rằng trong thời gian tới với bề dày kinh nghiệm cùng với sự năng động sáng tạo và bản lĩnh vững vàng, Tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên toàn ngành hóa chất sẽ có những bước phát triển vững chắc, xứng đáng là Tập đoàn kinh tế hàng đầu trong Ngành Hóa chất Việt Nam.
Tiếp thu những ý kiến của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Phú Cường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khẳng định sẽ cùng tập thể cán bộ công nhân viên Vinachem kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý báu của thế hệ trước để lại, tiếp thu những đóng góp trong bối cảnh mới để đoàn kết một lòng, phấn đấu cùng nhau vượt qua thách thức, hướng đến những kết quả cao hơn trong công cuộc phát triển Tập đoàn nói riêng và ngành Hóa chất nói chung, góp phần xây dựng kinh tế đất nước.
Tại buổi Lễ, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh đã thay mặt Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp tặng cờ lưu niệm ghi nhận đóng góp của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam 50 năm qua.
Cũng tại Lễ Kỷ niệm, Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam đã trao hoa và kỷ niệm chương tôn vinh các cán bộ viên chức Công ty mẹ - Tập đoàn đã có những đóng góp cho sự phát triển của ngành Hóa chất Việt Nam.
Nguồn: vinachem.com.vn