Khó khăn chồng chất khó khăn
Theo một số chuyên gia kinh tế, nếu như 2 nhà máy DAP số 1 và số 2 của chúng ta có vốn đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD vì “sinh sau đẻ muộn” thì hầu hết các nhà máy DAP trên thế giới, đặc biệt là của Trung Quốc được đầu tư từ rất lâu, đã hết khấu hao máy móc, nên chi phí và giá thành sản xuất của DAP Trung Quốc rẻ hơn Việt Nam rất nhiều. Với lợi thế giá thành rẻ, DAP của Trung Quốc “tràn” vào thị trường Việt Nam theo đường tiểu ngạch với số lượng lên tới hàng trăm nghìn tấn/năm đã cạnh tranh khốc liệt với DAP trong nước, khiến 2 nhà máy DAP trong nước suốt từ 2015 - 2017 đều ngập trong thua lỗ. Chưa hết, khi Luật Thuế 71 ra đời (chuyển phân bón từ mặt hàng chịu thuế VAT đầu ra 5% sang mặt hàng không chịu thuế VAT nên không được khấu trừ thuế VAT đầu vào mỗi năm cả chục, thậm chí trăm tỉ đồng) khiến các DN này càng lỗ thê thảm hơn bởi không được khấu trừ thuế VAT đầu vào. Trong khi đó, đầu vào phân DAP là quặng apatit, lưu huỳnh, điện, than, axít... đều có thuế VAT từ 10 - 15%.
Vì sao cần áp thuế tự vệ chính thức cho phân bón DAP và MAP?
Có thể nói rằng, số mệnh 2 nhà máy DAP số 1 Đình Vũ (Hải Phòng) và số 2 (Lào Cai) phụ thuộc rất lớn vào việc Bộ Công Thương có áp thuế tự vệ chính thức với sản phẩm phân DAP sau thời gian áp thuế tạm thời để điều tra hay không. Mặc dù phân bón là mặt hàng liên quan tới sản xuất nông nghiệp và nông dân, khi áp thuế tự vệ sẽ có ảnh hưởng ít nhiều tới nông dân, nhưng không thực sự quá lớn, bởi phân DAP chủ yếu được sử dụng để làm nguyên liệu NPK, nên nếu giá DAP thấp thì DN sản xuất NPK là đối tượng hưởng lợi lớn nhất, bởi thực tế, giá NPK hiện nay trên thị trường đang cao một cách hết sức phi lý.
Trả lời tại 1 cuộc tọa đàm về vấn đề này, Ông Nguyễn Tiến Dũng - TGĐ Cty CP Vật tư Nông sản - cho rằng: Việc áp dụng thuế phòng vệ này có khiến chi phí của nông dân tăng lên, nhưng về mặt lâu dài, phải bảo vệ được sản xuất trong nước thì sau này, các nhà máy DAP mới có điều kiện trở lại phục vụ được cho bà con nông dân một cách tốt hơn. “Bất cứ 1 chính sách nào cũng không thể thỏa mãn được lợi ích của tất cả các bên, vì vậy, áp dụng biện pháp thuế phòng vệ thương mại cho DAP và MAP vào giai đoạn tạm thời như hiện nay là biện pháp đúng đắn và hợp lý, hướng tới sự lâu dài cho nền sản xuất phân bón Việt Nam” - ông Dũng nói.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc áp thuế tự vệ tạm thời sẽ phần nào tạo điều kiện vực dậy các DN sản xuất DAP đang thua lỗ như DAP Đình Vũ (Hải Phòng), DAP 2 (Lào Cai), giải quyết phần nào những vướng mắc, khó khăn của ngành phân bón và các DN sản xuất phân bón DAP và MAP. Nhưng đối tượng cần quan tâm nhất là người nông dân. Bởi vậy, để việc áp thuế không gây ảnh hưởng lớn đến người nông dân, các nhà sản xuất khi được Chính phủ hỗ trợ về cơ chế chống bán phá giá thì cần phải có chính sách giá bán hợp lý, giữ ổn định thị trường và hướng tới người tiêu dùng.
Ngày 4.8.2017, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3044/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP có mã HS: 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00. Căn cứ theo Quyết định này, mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 VND/tấn và bắt đầu có hiệu lực chính thức từ ngày 19.8.2017 và kéo dài không quá 200 ngày. Biện pháp tự vệ tạm thời sẽ chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau ngày 6.3.2018 hoặc Bộ Công Thương ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.
Điều đáng nói là, sau khi áp thuế tự vệ, lập tức 2 nhà máy DAP số 1 và số 2 báo lãi trong quý 3 và 4.2017.