Chặn phân bón giả: Rà soát tất cả hồ sơ chất lượng của sản phẩm đang lưu hành
Cập nhật: 31-07-2018 07:28:18 | Tin thị trường | Lượt xem: 825
Chặn phân bón giả: Rà soát tất cả hồ sơ chất lượng của sản phẩm đang lưu hành
Nhằm ngăn chặn tình trạng phân bón giả, Bộ NN&PTNT sẽ tiến hành rà soát, đánh giá tất cả hồ sơ chất lượng của sản phẩm phân bón đang lưu hành trên thị trường.
Nhức nhối nạn phân bón giả, kém chất lượng
Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, Việt Nam có 10,2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, hàng năm sử dụng 11,26 triệu tấn phân bón các loại trong đó chủ yếu là phân vô cơ.
Cũng theo đánh giá từ Bộ này, hiệu quả sử dụng phân bón hiện nay chưa cao. Việt Nam đang mất cân đối nghiêm trọng về sử dụng phân bón và nông dân đang lạm dụng phân bón vô cơ trong sản xuất. Nhiều nơi, nông dân quá lạm dụng phân bón để thâm canh cây trồng. Một lượng lớn phân bón trong đất nhưng chưa được cây trồng sử dụng, một phần trong đó bị rửa trôi gây ô nhiễm nguồn nước, làm giảm độ phì nhiêu đất.
Một vấn đề khác gây bức xúc lớn trong dư luận những năm gần đây là vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, nhái nhãn hiệu nổi tiếng diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Mỗi năm phân bón giả gây thiệt hại cho nền kinh tế nước ta hàng tỷ USD.
Số liệu từ Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, các địa phương và lực lượng chức năng trên cả nước chỉ mới rà soát, thanh tra, kiểm tra được khoảng 1.400 vụ, tiến hành xử lý 306 vụ vi phạm trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; xử phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là con số khá thấp so với thực tế.
Lý giải về tình trạng này, theo ông Thào Xuân Sùng – Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, công tác quản lý nhà nước về phân bón ở nhiều nơi còn lỏng lẻo, bất cập từ khâu sản xuất, kinh doanh đến sử dụng phân bón dẫn đến việc sản xuất và nhập khẩu phân bón dư thừa quá lớn.
Cụ thể, nếu tính riêng trong năm 2017, ngoài 735 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện hoạt động còn có 200 hồ sơ đang đề nghị cấp giấy chứng nhận. Việc có nhiều công ty sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này là điều kiện làm cho thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng luôn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước.
Việc cung ứng phân bón qua nhiều khâu trung gian dẫn đến chi phí tăng cao khi đến tay người tiêu dùng; lạm dụng phân bón vô cơ và hiệu suất sử dụng phân bón rất thấp gây ô nhiễm nguồn nước, làm giảm độ phì nhiêu đất đai, làm tích lũy dư lượng chất độc hại trong nông sản.
"Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn tràn lan trên thị trường với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn; gây hệ luỵ nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp gây thiệt hại từ 2-2,2 tỷ USD mỗi năm" - ông Sùng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, theo cơ quan chức năng, sở dĩ nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây nhức nhối là do lợi nhuận từ hàng giả, hàng nhái rất lớn nên một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, lợi dụng sự kém hiểu biết và tâm lý ham giá rẻ của người dân để quảng cáo, khuyến mãi thậm chí tung ra nhiều chiêu trò lừa bịp người tiêu dùng. Ngoài ra, còn có lỗ hổng trong cấp phép, việc các quy chuẩndo nhiều cơ quan quản lý nhưng không ai chịu trách nhiệm chính; nhiều bộ, ngành, địa phương tham gia nhưng công tác phối hợp thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ...
Giải pháp nào?
Trước việc có quá nhiều loại phân bón đang lưu thông trên thị trường, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, trước ngày 20/9, Bộ sẽ cố gắng phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá tất cả hồ sơ chất lượng của sản phẩm phân bón đang lưu hành, chấn chỉnh các cơ sở sản xuất phân bón về điều kiện mặt bằng, trang thiết bị, công nghệ, kiên quyết loại các cơ sở sản xuất kém chất lượng.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết thêm, Bộ NN&PTNT đã và đang hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phân bón như Nghị định 55 về xử phạt phân bón; Bộ đang được Quốc hội, Chính phủ giao soạn thảo dự thảo Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi và vẫn đang trong quá trình tiếp thu, lắng nghe ý kiến để làm sao đưa việc quản lý lĩnh vực phân bón vào luật chuẩn hơn.
Trong quản lý phân bón sẽ phân cấp mạnh cho các địa phương, hạn chế nhập khẩu phân bón, 100% phân bón nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng nhập khẩu, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trong nước; khuyến khích sản xuất phân bón hữu cơ.
Chia sẻ thêm về giải pháp ngăn chặn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ.
“Các đơn vị chức năng có liên quan trong lĩnh vực này cần phối hợp rà soát, đánh giá những bất cập, chồng chéo trong các quy định của pháp luật về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; quan tâm xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc thuốc bảo vệ thực vật chân chính”, ông Thế cho hay.
Cũng theo vị này, thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về phân bón, thuốc thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với tình hình thực tiễn. Chính phủ, các bộ, ngành chức năng có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất phân bón hữu cơ, khuyến khích nông dân đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Cùng với đó và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, buôn bán mặt hàng này; phát huy sức mạnh tổng hợp của xã hội, đặc biệt là nâng cao nhận thức của người dân để kịp thời phát hiện, lên án hành vi bán hàng kém chất lượng.