Dịch COVID-19 có thể giúp đẩy nhanh quá trình cải cách trong ngành sản xuất phân lân Trung Quốc Công nghiệp Hóa chất số 10/2020
Cập nhật: 07-12-2020 03:24:41 | Tin thị trường | Lượt xem: 694
Dịch COVID-19 có thể giúp đẩy nhanh quá trình cải cách trong ngành sản xuất phân lân Trung Quốc
Sự bùng phát bất ngờ của dịch COVID-19 trong năm 2019 đã tác động nghiêm trọng đến ngành sản xuất phân lân ở Trung Quốc. Tình trạng thiếu nguồn cung và chi phí sản xuất tăng có khả năng sẽ dẫn đến xu hướng tăng giá phân lân. Tuy nhiên, nhu cầu cuối dòng dao động bất ổn và áp lực của thị trường xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao, đây là hai yếu tố đang gây áp lực lớn lên ngành sản xuất phân lân Trung Quốc trong năm 2020.
Sản xuất phân lân bị ảnh hưởng nặng
Dịch COVID-19 đã dẫn đến sự đình trệ của ngành sản xuất phân bón nội địa ở Trung Quốc. Thiếu nhân công và những hạn chế về hậu cần đã trở thành những nỗi lo hàng đầu của các nhà sản xuất. Nhiều nhà sản xuất đã phải cắt giảm hoặc tạm dừng sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Với mục đích bảo đảm hoạt động sản xuất phân bón bình thường cho vụ mùa xuân, chính phủ Trung Quốc đã ra thông báo khẩn hỗ trợ hoạt động vận chuyển và phân phối các sản phẩm nông nghiệp. Hiện tại, tình hình đã được cải thiện, số trường hợp nhiễm COVID-19 đã giảm dần. Ngoại trừ tỉnh Hồ Bắc, thị trường phân bón nội địa cũng đã khôi phục nhẹ.
Nhưng ở Hồ Bắc, tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất trong dịch COVID-19, những kế hoạch khôi phục sản xuất có thể tiếp tục bị trì hoãn. Hoạt động vận chuyển đường bộ tại đây hiện vẫn rất hạn chế. Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố tăng cường kiểm soát giao thông và duy trì tình trạng phong tỏa của Hồ Bắc. Trong khi đó, từ trước đến nay Hồ Bắc luôn là tỉnh sản xuất phân lân lớn nhất Trung Quốc, chiếm khoảng 30% công suất toàn quốc. Dịch bệnh đã khiến cho các doanh nghiệp phân lân Hồ Bắc gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục hoạt động, tỷ lệ vận hành công suất đã giảm 30-40% so với năm trước, sản lượng suy giảm mạnh. Mặt khác, các biện pháp kiểm soát giao thông đã làm cho phần lớn khu vực Hồ Bắc bị cách ly, gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động vận chuyển sản phẩm. Vì vậy, giá phân lân tại Trung Quốc có khả năng sẽ tăng do hậu quả của chi phí sản xuất tăng và nguồn cung thắt chặt.
Nhu cầu không ổn định
Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt và các hạn chế về giao thông được hủy bỏ, nhu cầu phân lân sẽ tăng và thúc đẩy tăng giá. Đây có thể là tin tốt cho những nhà sản xuất đã phải trải qua tình trạng trầm lắng của thị trường trong năm 2019. Nhưng tác động của dịch lên các thị trường tiêu thụ sẽ tiếp tục, do đó có thể kéo giá các sản phẩm nông nghiệp xuống thấp, ảnh hưởng đến ý định mua phân bón của người nông dân vì nguồn tài chính hạn hẹp.
Trong khi nhu cầu thị trường nội địa chưa rõ ràng, thị trường xuất khẩu đối với phân bón Trung Quốc cũng hoàn toàn không có triển vọng lạc quan. Năm 2019, lượng xuất khẩu DAP đã giảm xuống 6,47 triệu tấn, thấp hơn 24,9% so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà máy mới ở Trung Đông đã được đưa vào vận hành, dẫn đến xu hướng giảm giá phân lân trên toàn cầu và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của sản phẩm phân lân Trung Quốc ở thị trường nước ngoài. Hơn nữa, Ấn Độ và Pakistan - những quốc gia nhập khẩu quan trọng đối với phân lân Trung Quốc - đang tiếp tục giảm nhập khẩu do lượng hàng tồn kho cao. Trong môi trường như vậy, sản phẩm DAP giá cao của Trung Quốc không có khả năng cạnh tranh trên các thị trường nước ngoài.
Những rủi ro và cơ hội
Trong bối cảnh những áp lực của xu hướng tăng trưởng dân số toàn cầu và tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển, vấn đề an ninh lương thực ngày càng trở nên quan trọng. Yếu tố này sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng ở mức vừa phải của thị trường phân lân toàn cầu. Về dài hạn, Nam Á, Trung và Nam Mỹ cùng với châu Phi sẽ trở thành các thị trường phân bón có mức tăng trưởng cao nhất.
Do nhiều nhà máy tại Trung Quốc và Mỹ phải đóng cửa vì dịch COVID-19, nguồn cung phân lân năm 2020 có khả năng sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu. Trong bối cảnh đó, dịch COVID-19 có thể sẽ tác động như một chất xúc tác đối với các cải cách ở phía nguồn cung, thúc đẩy nhanh việc rút khỏi thị trường của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc, để lại không gian cho các doanh nghiệp lớn tiếp tục phát triển.
Theo đánh giá của Ngân hàng Rabobank, ba xu hướng sau có thể trở thành cơ hội cho các nhà sản xuất phân lân Trung Quốc:
1. Tối ưu hóa danh mục sản phẩm: Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất phân lân Trung Quốc vẫn đang tập trung vào sản xuất DAP và MAP với giá trị gia tăng không lớn. Nay đã đến lúc các doanh nghiệp này phải phát triển các sản phẩm phân bón chuyên dụng với những đặc điểm như cung cấp chất dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng, cải thiện tỷ lệ sử dụng phân bón và giải quyết các vấn đề về tình trạng đất canh tác.
2. Cải thiện tỷ lệ sử dụng quặng phốtphat: Áp dụng các quá trình sản xuất phân bón phù hợp với xu hướng phát triển của nền nông nghiệp hiện đại. Các nhà sản xuất phân bón cần phải chuyển đổi sang các công nghệ tiên tiến trong sản xuất phân lân, mở rộng chuỗi cung ứng ngành và sản xuất các sản phẩm đa dạng.
3. Cách mạng hóa mô hình kinh doanh: Mô hình sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc đang chuyển đổi theo hướng quy mô lớn, tiêu chuẩn hóa và gia tăng cường độ. Những nông dân quy mô lớn sẽ dựa nhiều hơn vào công nghệ, kiến thức, nguồn tài nguyên bên ngoài và các dịch vụ tài chính. Kỷ nguyên sản phẩm thống trị thị trường đã qua và trong tương lai sẽ được thay thế bằng động lực kép “sản phẩm + dịch vụ”.