Doanh nghiệp phân bón gặp khó
Cập nhật: 22-11-2017 12:09:57 | Tin thị trường | Lượt xem: 1322
Doanh nghiệp phân bón gặp khó
Sản xuất dư thừa, nhưng một số loại phân bón vẫn được nhập khẩu ồ ạt đã đẩy các doanh nghiệp (DN) trong nước vào tình thế khó khăn, không cạnh tranh nổi với phân bón nhập khẩu. Do vậy, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ phân bón bằng việc cơ cấu lại sản xuất và xuất khẩu đang là hướng đi của không ít doanh nghiệp (DN).
Nhập khẩu vẫn tăng
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính khối lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 9/2017 đạt 260 ngàn tấn với giá trị 58 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu phân bón 9 tháng năm 2017 đạt 3,57 triệu tấn và 955 triệu USD, tăng 19,7% về khối lượng và tăng 16,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khối lượng nhập khẩu phân đạm urê ước đạt 338 ngàn tấn với giá trị 85 triệu USD, giảm 21,9% về khối lượng và giảm 14,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016; phân SA ước đạt 821 ngàn tấn với giá trị nhập khẩu 97 triệu USD, tăng 11% về khối lượng và tăng 8,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Giá trị nhập khẩu phân bón trong 8 tháng năm 2017 cũng tăng ở hầu hết các thị trường chính, ngoại trừ thị trường Israel, Indonesia và Malaysia với mức giảm lần lượt là 31,4%, 5,8% và 3,6%. Ngoài thị trường Trung Quốc, thị trường có giá trị nhập khẩu mặt hàng này tăng mạnh nhất là thị trường Nga (tăng 75,5%), tiếp đến là thị trường Nhật Bản (tăng 48,2%), Hàn Quốc (tăng 26,7%), Belarus (tăng 19,7%), Lào (tăng 15,9%).
Theo các chuyên gia trong ngành phân bón, cho đến thời điểm này, Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế vẫn đang “trói” các DN phân bón. Do được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) chứ không phải giảm thuế xuống 0% nên DN phân bón trong nước vẫn phải đóng thuế đầu vào mà lại không được khấu trừ đầu ra. Điều này đã tác động lớn đến chi phí đầu tư, sản xuất phân bón, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN nội địa, mặt khác lại “góp phần” giúp phân bón nhập khẩu rẻ hơn, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm trong nước.
Chia sẻ về vấn đề này, dưới góc độ DN, ông Dương Trí Hội - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cho biết, sau khi mặt hàng phân bón được đưa vào danh mục không chịu thuế VAT theo Luật 71, các DN bán phân bón trong nước không được hoàn thuế VAT đầu vào. Trong khi đó, thuế VAT các nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất phân bón là 10% nên phần chênh lệch do không được khấu trừ DN phải chịu. Để bù lại chi phí này, các DN buộc phải tăng giá bán. “Riêng PVFCCo, chi phí tăng thêm do chính sách này mỗi năm khoảng 400 tỷ đồng” - ông Hội cho biết.
Tập trung các giải pháp đồng bộ
Với thực trạng trên, theo các chuyên gia kinh tế, mỗi DN sản xuất phân bón cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh, đồng thời có chiến lược xây dựng thương hiệu.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Gia Tường - Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho rằng, tại thời điểm này, giải pháp mà Vinachem đưa ra là các DN cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các sản phẩm urê và DAP. “Tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của đơn vị ở trong và ngoài nước. Công tác phát triển thị trường, tăng lượng sản phẩm tiêu thụ, tăng doanh thu vẫn là ưu tiên tiên số một của các DN trong quý IV và cả năm 2017”, ông Tường nhấn mạnh.
Cùng với đó, Vinachem sẽ xây dựng chương trình xúc tiến thương mại trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu của DN nhằm phát triển thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu, giảm áp lực cạnh tranh trong nước.
Mặt khác, tập đoàn và các đơn vị cũng triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước giữa tập đoàn với các tập đoàn, tổng công ty trong nước và giữa các DN thuộc tập đoàn. “Các đơn vị trong tập đoàn phấn đấu đạt tỷ lệ mua bán nội bộ không thấp hơn 50% tổng lượng mua các vật tư cùng loại của đơn vị” - ông Tường lưu ý.
Về phía Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cũng cho biết, Bộ Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến Luật số 71/2014/QH13 để gỡ khó chính sách thuế VAT cho DN sản xuất phân bón. Đây cũng là yếu tố quan trọng để khuyến khích các DN sản xuất phân bón trong nước đầu tư công nghệ mới, sản xuất các loại phân bón chất lượng cao, chủ động nguồn cung với giá thành hợp lý. Trên cơ sở đó sẽ giúp đảm bảo hài hòa lợi ích giữa DN sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng trước sức ép cạnh tranh từ phân bón nước ngoài tràn vào Việt Nam.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN phân bón, nhất là trong việc thực hiện Luật số 71, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cũng đưa ra giải pháp: Các DN tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí và tận dụng lợi thế lớn là các kênh phân phối, nhằm nhanh chóng lấp đầy các khu vực có nhu cầu, lấy ưu thế về tốc độ và số lượng để bù đắp cho sự kém linh hoạt về giá.
Nguồn: kinhtevn.com.vn