Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English
CÔNG TY CỔ PHẦN DAP - VINACHEM

Công ty cổ phần DAP - Vinachem

Niềm vui của nhà nông

Doanh nghiệp phân bón trong nước đồng hành với bà con nông dân vượt qua cơn biến động thị trường

Cập nhật: 01-07-2021 07:34:30 | Tin thị trường | Lượt xem: 679

Doanh nghiệp phân bón trong nước đồng hành với bà con nông dân vượt qua cơn biến động thị trường

Giá phân bón trong nước có sự liên thông với giá phân bón thế giới, các chi phí về nguyên liệu sản xuất, nên khi giá nguyên nhiêu liệu sản xuất phân bón thế giới tăng, giá phân bón trong nước cũng tăng theo.

Đây là thông tin được các đại diện Cục Hóa chất, Cục Phòng vệ thương mại đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra ngày 17/6.

Giá phân bón tăng theo quy luật thị trường

Theo phân tích của Cục Hóa chất, mặt hàng phân bón có chu kỳ tăng giá 10 năm một lần. Năm nay giống như năm 2008 nên chu kỳ giá đi lên. Bên cạnh đó, Trung Quốc - thị trường sản xuất và tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới - thời gian gần đây gặp khủng hoảng về than đá và khí đốt đã ảnh hưởng gián tiếp tới ngành sản xuất phân bón làm nguồn cung giảm. Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu phân bón để ưu tiên mùa vụ trong nước, nguồn cung phân bón thế giới bị thiếu hụt. Với phân urê, Trung Quốc sẽ đánh thuế xuất rất cao mặt hàng này khi nhu cầu nội địa lớn. Hiện thuế xuất khẩu phân urê ở Trung Quốc lên tới 30%.

Ngoài ra, lượng phân urê từ các nước Đông Nam Á giảm do một số nhà máy đang trong giai đoạn bảo dưỡng. Ở Việt Nam chi phí sản xuất loại phân này hiện cũng đang tăng mạnh do giá nguyên liệu đầu vào cao. Chính vì vậy, theo dự báo, giá phân bón trong nước sẽ tiếp tục neo ở mức cao từ nay cho đến cuối năm.

Phân tích thêm về cơn tăng giá của phân bón, đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện tượng tăng giá phân bón diễn ra mạnh bắt đầu từ đầu năm 2021, bắt nguồn từ các yếu tố bên ngoài, chủ yếu do các nguyên liệu sản xuất chính của phân DAP và MAP là lưu huỳnh, amoniac, giá cước vận chuyển tăng cao.

Giá lưu huỳnh về tới nhà máy sản xuất tăng hơn 2 lần, từ 95 USD/tấn lên hơn 200 USD/tấn, giá amoniac cũng tăng hơn 31,4%, tương đương 102 USD/tấn. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi logistics toàn cầu làm giá vận chuyển đội lên từ 3-5%... Cộng hưởng của tất cả những yếu tố này khiến giá phân bón trong nước tăng lên.

Đánh giá về vấn đề này, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có độ mở rất cao khi đã tham gia hầu hết các hiệp định thương mại tự do và ưu đãi thuế quan trên thế giới. Do đó, mọi biến động trên thị trường thế giới lập tức tác động trực tiếp đến thị trường hàng hóa của Việt Nam. Thậm chí, những hàng hóa Việt Nam tự đáp ứng 100% nhu cầu vẫn chịu ảnh hưởng. Ngược lại, nếu giá trên thị trường thế giới giảm trong nước cũng xuống theo, như quy luật đã diễn ra trong mấy năm vừa qua trên thị trường phân bón. Đây chính là sự vận động, điều tiết theo đúng quy luật thị trường.

Thực tế, tại Việt Nam, trong quý 1/2021, giá bán các mặt hàng phân bón trong nước vẫn được duy trì ở mức thấp hơn so với giá thế giới. Từ đầu tháng 4/2021 đến nay, do lượng hàng tồn kho giá thấp đã hết nên mặt bằng giá phân bón tại Việt Nam cũng bị điều chỉnh tăng theo mức giá chung trên thị trường thế giới.

"Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có các biện pháp tự vệ với phân bón DAP và MAP nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước. Sau khi điều tra, cân nhắc các yếu tố tác động kinh tế - xã hội, Bộ đã ban hành quyết định áp thuế cho mặt hàng này từ năm 2017. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT để theo dõi diễn biến thị trường phân bón và có các giải pháp kiểm soát, bình ổn thị trường cho phù hợp", ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay.

Vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu nông nghiệp

Trong quá trình phối hợp với Bộ NN&PTNT để đánh giá cung cầu, Bộ Công Thương nhận thấy lượng phân bón thời gian qua hoàn toàn đủ năng lực cung ứng nhu cầu trong nước. Theo thống kê, so với cùng kỳ 2020, nhập khẩu phân bón DAP tăng 150%, sản xuất trong nước tăng 130%, trong khi đó nhu cầu không biến động quá lớn so với năm trước.

Ngoài ra, từ khi có sản xuất trong nước làm đối trọng với hàng nhập khẩu, mức tăng của DAP, MAP sản xuất trong nước thấp hơn so với mức tăng của hàng nhập khẩu. Giá DAP, MAP sản xuất trong nước chỉ 9,5-10,5 triệu đồng/tấn, trong khi hàng nhập khẩu 14-15 triệu/tấn. Phân urê do các nhà máy trong nước sản xuất hiện cũng có giá bán thấp hơn giá phân nhập khẩu khoảng 500 đồng/kg. Đây được xem là đối trọng kìm hãm sự tăng giá phân bón, giúp bình ổn thị trường hơn.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung cho biết, để duy trì ổn định sản xuất trong nước, giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của việc tăng giá tới sản xuất nông nghiệp, tháng 4/2021 vừa qua Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn, khuyến nghị hạn chế tối đa xuất khẩu, tăng tối đa công suất chạy máy, điều chỉnh kênh phân phối sản phẩm ưu tiên tới những vùng đang nóng trước. Với tinh thần đó, các doanh nghiệp cơ bản đã tạm dừng xuất khẩu để ưu tiên phục vụ thị trường trong nước. Bên cạnh đó, hiện giá urê và DAP trong nước cũng đang luôn được các doanh nghiệp duy trì thấp hơn giá DAP và urê nhập khẩu, thể hiện sự chia sẻ của doanh nghiệp với nông dân nước nhà.

Về phía doanh nghiệp sản xuất phân bón, đại diện Công ty Cổ phần DAP Vinachem (DAP Đình Vũ) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, DAP Đình Vũ đã tăng tối đa công suất gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 141.600 tấn (6 tháng đầu năm 2020 đạt 71.540 tấn) nhằm bù đắp thị trường trong nước. Cũng theo đơn vị này, để sản xuất 1 tấn DAP cần 0,4 tấn lưu huỳnh và 0,22 tấn amoniac. Tính riêng 2 yếu tố đầu vào này giá thành sản xuất 1 tấn DAP đã tăng chi phí khoảng 2,9 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, so với cuối năm 2020, hiện giá lưu huỳnh tăng 133%, NH3 tăng 107% và H2SO4 tăng 132%. Do đó, DAP Đình Vũ đạt hiệu quả chủ yếu nhờ duy trì ổn định sản xuất, bởi giá bán DAP tăng chỉ đủ bù đắp chi phí tăng nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

Bên cạnh nỗ lực đồng hành với bà con nông dân vượt qua cơn biến động thị trường, các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón cũng đã kiến nghị với cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ thị trường phân bón; đồng thời khuyến cáo, hướng dẫn bà con sử dụng phân bón tiết kiệm, tăng cường sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ để giảm áp lực cho phân bón vô cơ, cũng như cần cảnh giác, đề phòng tình trạng phân bón kém chất lượng, hoặc giả mạo nhãn mác trà trộn trên thị trường, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và cả về kinh tế.

Nguồn: petrovietnam.petrotimes.vn