Hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ khi giá phân bón còn tăng
Cập nhật: 07-10-2021 04:55:15 | Tin thị trường | Lượt xem: 691
Hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ khi giá phân bón còn tăng
Dòng chảy thương mại - hậu cần phân bón bị thắt chặt và gián đoạn đã đẩy giá mặt hàng này biến động mạnh, đe dọa đình trệ sản xuất nông nghiệp thế giới.
Khủng hoảng thiếu phân bón
Chuyên gia phân tích mảng phân bón Josh Linville của hãng StoneX cho biết: “Cho đến cuối năm 2020 và cả năm 2021, một loạt các sự kiện "thiên nga đen" xảy đến đã thúc đẩy giá phân bón tăng vọt và dường như nó sẽ không sớm chựng lại”.
Đặc biệt là sau cơn bão Ida ở Mỹ, nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới CF Industries đã phải viết một lá thư bất khả kháng cho tổ hợp sản xuất ở Donaldsonville, bang Louisiana yêu cầu dừng hoạt động. Tại đây, CF Industries có 19 nhà máy, trong đó có sáu nhà máy sản xuất amoniac và năm nhà máy sản xuất phân urê.
Giá phân bón năm nay đã cao hơn từ 60% đến 85% so cới năm ngoái, tùy theo sản phẩm. Trung Quốc, nhà xuất khẩu phốt phát lớn nhất thế giới đã đóng băng xuất khẩu đến tháng 6/2022 tiếp tục gây hiệu ứng lan truyền trên thị trường phân bón toàn cầu. Ảnh: DTN
Cùng thời điểm, các nhà máy Faustina của hãng sản xuất phân bón Mosaic ở St. James và Uncle Sam ở Convent, bang Louisiana, đều bị ảnh hưởng bởi cơn bão Ida cũng đã thông báo có thể ngừng hoạt động trong 8 tuần.
“Nhận định của chúng tôi trong thời gian còn lại của năm 2021 là dòng chảy thương mại của hầu hết các loại phân bón trên thế giới vẫn bị thắt chặt, đặc biệt là phân lân và phân urê”, ông Linville nói.
Theo các chuyên gia, đợt tăng giá phân bón năm nay chưa tới mức như hồi năm 2008, tuy nhiên sự khác biệt là năm 2008 là giá tăng được thúc đẩy bởi nhu cầu sản xuất còn hiện nay là do những thách thức về nguồn cung.
Ngoài ra còn một yếu tố khác đối với những nhà nhập khẩu phân bón của Mỹ hiện nay chính là sắc thuế đối kháng, hay còn được gọi là thuế chống trợ cấp (sắc thuế nhập khẩu thương mại được áp đặt theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới để vô hiệu hóa các tác động tiêu cực của hoạt động trợ cấp).
Ông Taylor cho biết, ngay từ năm ngoái Mỹ đã áp sắc thuế này đối với Nga và Ma-rốc và đó cũng là thời điểm giá phốt phát bắt đầu rục rịch tăng và mở ra cơ hội cho Ả Rập Xê-út, Jordan và Úc có thêm các hợp đồng xuất khẩu phốt phát sang Mỹ. Tuy nhiên thuế đối với lân và các đơn kiện chống bán phá giá của các nhà sản xuất phân bón Mỹ (CF Industries và Mosaic) đối với phân urê nhắm vào Trinidad và Tobago và Nga cũng chỉ tác động một phần khiến giá tăng, còn tình hình căng thẳng hiện tại chủ yếu do thiếu hụt nguyên liệu và giá tăng cao.
Trong khi đó, nhà kinh tế nông nghiệp của Đại học Purdue, Michael Langemeier thì cho biết: “‘Lát cắt thông minh’ vào lúc này là hãy lên kế hoạch cho tình huống giá phân bón sẽ tăng từ 15% đến 20% vào năm tới so với năm 2021. Kế đến là hãy cân nhắc từng khoản mục chi phí sản xuất chính và đưa ra quyết định liệu có thể thực hiện bất kỳ sự thay đổi nào để giảm thiểu sự gia tăng hay không?".
"Bóng ma" Thiên nga đen đang ứng vào ngành phân bón thế giới. Ảnh: AGW
Đau đầu vì giá nguyên liệu
Việc Trung Quốc cấm xuất khẩu phân bón phốt phát (lân) đến giữa năm tới càng làm tăng thêm các thách thức và áp lực lớn về nguồn cung toàn cầu. Đặc biệt là trong khi các vụ ngô và đậu tương năm 2021 sắp được thu hoạch, tình hình nguồn cung cấp phân bón và các loại hóa chất khác đang dần định hình càng khiến cho niên vụ sản xuất mới có thể sẽ trở thành một năm đắt đỏ đối với các nguyên liệu đầu vào.
Trung Quốc hiện chiếm khoảng 30% thương mại phân lân thế giới. Trong tuần qua đã chứng kiến những bạn hàng truyền thống của Trung Quốc phải đôn đáo đi tìm kiếm nguồn cung từ nơi khác. “Tình hình sẽ còn tiếp tục diễn ra trên khắp thế giới khi mọi nguồn cung đều khan hiếm. Hiệu ứng dây chuyền là toàn bộ cán cân thương mại thế giới đi xuống", chuyên gia Josh Linville nói.
Samuel Taylor, nhà phân tích đầu vào sản xuất nông nghiệp của ngân hàng Rabobank, cho biết hiệu ứng gợn sóng dây chuyền sẽ không tốt đối với nông dân. “Bạn có thể nhìn thấy áp lực lên phân urê, đặc biệt là phân MAP và DAP. Đó là những sản phẩm định giá thực sự đáng quan tâm", theo ông Taylor.
Thống kê cho thấy, giá phân bón đã tăng đều đặn trong năm nay, theo giá bán lẻ được nền tảng DTN theo dõi cho thấy: Giá phân MAP đã cao hơn 74% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi dòng phân DAP cũng cao hơn 63%. Các loại phân nitơ như urê amoni nitrat (UAN) đã tăng 78% so với một năm trước, trong khi giá phân kali cao hơn tới 85%.
Biểu đồ mô tả cơ cấu chi phí sản xuất ngô và giá hai loại phân bón urê, kali của nông dân Mỹ từ năm 2016 đến nay. Nguồn: Agweb
Gần đây, nông dân Mỹ đã bắt đầu quay trở lại với các nhà cung cấp phân bón của Nga và Maroc, bất chấp các khoản thuế do chênh lệch giá do thị trường Bắc Mỹ đang khủng hoảng thiếu phân MAP. Còn tại Brazil, những nông dân hợp tác sản xuất với ngân hàng Rabobank cho biết họ đang phải tìm cách bón ít phân hơn do giá quá đắt đỏ.
Theo các chuyên gia, cùng với tình hình giá khí đốt tự nhiên toàn cầu đang tăng lên, cộng với việc các nhà sản xuất phân bón lớn ở châu Âu đang phải ngừng hoạt động và cúp điện tại Trung Quốc đang khiến cho cuộc khủng hoảng phân bón thêm trầm kha, ngay trước niên vụ sản xuất mới.
"Trong tình cảnh này, nông dân sẽ buộc phải xoay xở tháo vát trong năm tới và rất linh hoạt với phương cách sản xuất của họ", ông Taylor khuyến cáo.
Các doanh nghiệp hiện đang coi chính sách công trên toàn cầu là một trong những vấn đề đau đầu nhất trong chuỗi cung ứng, cho dù đó là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ hay Nga. Ông Taylor nói: “Chính sách công sẽ ảnh hưởng đến sự dồi dào của nhiều loại nguyên liệu đầu vào, không chỉ riêng đối với phân bón mà là cả các loại vật tư đầu vào sản xuất như những gì bạn đang thấy. Vấn đề thực sự đau đầu khác là động lực của chuỗi cung ứng - khả năng đưa sản phẩm đến thị trường Bắc Mỹ vẫn đang bị tắc nghẽn và chi phí nhân công tăng lên theo phí vận tải. Vì vậy, có vẻ như năm 2022 đang định hình là một năm đắt đỏ, đặc biệt là đối với nông dân trồng ngô và đậu tương", ông Taylor cảnh báo.
Nguồn: Nongnghiep.vn