“Làm sạch” thị trường phân bón
Cập nhật: 12-04-2018 08:18:29 | Tin thị trường | Lượt xem: 1005
“Làm sạch” thị trường phân bón
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp. Một số địa phương và cơ quan chức năng đã phát hiện phương thức, thủ đoạn mới trong sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.
Nhiều thủ đoạn
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, Việt Nam chưa sản xuất được hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật hoặc thuốc bảo vệ thực vật kỹ thuật, do vậy hầu hết các thuốc bảo vệ thực vật sử dụng ở Việt Nam đều phải nhập khẩu.
Theo quy định của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, 100% lô hàng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo vệ thực vật kỹ thuật, phân bón nhập khẩu khi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải kiểm tra nhà nước về chất lượng; chỉ các lô hàng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón bảo đảm chất lượng mới được nhập khẩu và đưa vào lưu thông trên thị trường.
Tuy nhiên, hình thức nhập lậu, vận chuyển, buôn bán các loại thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu rất tinh vi với số lượng không lớn, được đưa qua biên giới bằng nhiều cách, chủ yếu vận chuyển qua đường mòn, lối mở dọc biên giới sử dụng, bán tại các chợ vùng cao và đưa sâu vào nội địa. Do vậy, việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và thu giữ là rất khó khăn.
Đồng thời, việc sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng cũng rất tinh vi và khó phát hiện với số lượng thường là rất nhỏ, do đó việc đấu tranh, ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả ngoài các lực lượng chức năng cần có sự phối hợp của các cơ quan ban ngành có liên quan.
Cụ thể, vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, lấy mẫu phân bón được bày bán trong 3 cửa hàng kinh doanh phân bón tại huyện Di Linh, phát hiện các mẫu phân bón: NPK siêu vi lượng Alpha 3 sản xuất tại Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Tân Việt Phát (địa chỉ tại ấp Cẩm An, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh); N-P-K 15-7-21+13S+TE+Bo sản xuất tại Công ty TNHH Việt Nauy (địa chỉ tại Cụm công nghiệp Bảy Mẫu, khu phố Khánh Long, phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương); NPK 16-10-16+TE sản xuất tại Công ty TNHH Ba con cò Baconco (địa chỉ tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đều có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Ngày 27/11/2017, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có công văn số 426/VPTT-TH gửi Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và các đơn vị liên quan đề nghị xác minh, kiểm tra các cơ sở sản xuất phân bón có các sản phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Kết quả xác minh tại các địa bàn có trụ sở nhà máy sản xuất đều phát hiện các doanh nghiệp chỉ sản xuất một lô phân bón duy nhất, với số lượng từ 80 đến 100 tấn, chỉ cung cấp cho một một doanh nghiệp duy nhất, không sản xuất lại, không lưu mẫu theo quy định.
Đáng chú ý, hiện xuất hiện một thủ đoạn sản xuất, kinh doanh phân bón trốn thuế mới, đó là một số doanh nghiệp sản xuất phân bón móc nối, ký hợp đồng bán cho các đơn vị đầu tư để cung ứng trực tiếp cho người sử dụng để sản xuất nông nghiệp, không đưa ra lưu thông trên thị trường, hoặc bán phân bón cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh nhưng lại thỏa thuận ký hợp đồng gửi kho nhằm trốn thuế nhà nước và tiêu thụ sản phẩm phân bón kém chất lượng, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm.
Lập chuyên án điều tra
Việc phát hiện, xử lý đến cùng hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng còn hạn chế, kém hiệu quả, có nguyên nhân do bất cập trong quy định pháp luật của cơ quan chức năng.
Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, việc triển khai thực hiện quy định của pháp luật vẫn còn có sự chồng chéo bởi trước đây Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không thống nhất trong hướng dẫn thực hiện, nhất là hướng dẫn công tác kiểm định quy định trong Thông tư 29 của Bộ Công Thương và Thông tư 41 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dẫn đến nhận thức và thực hiện của các cơ quan chức năng chưa thống nhất. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên đã xảy ra tình trạng không ít doanh nghiệp sản xuất hàng kém chất lượng bán ra thị trường, gây thiệt hại cho nông dân…
Do vậy, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm phối hợp với Bộ Công Thương tháo gỡ những bất cập, chồng chéo, chưa thống nhất trong quy định quản lý phân bón giữa hai bộ, dẫn đến nhận thức và thực hiện của các cơ quan chức năng chưa thống nhất, kém hiệu quả.
Đánh giá về những hạn chế, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, do cơ chế quản lý chú trọng về hậu kiểm trong khi lực lượng thanh kiểm tra còn rất mỏng do vậy phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng hiện nay đang là một vấn đề bức xúc trong xã hội, gây ra rất nhiều hệ lụy, từ thiệt hại về kinh tế cho người sản xuất đến gây ô nhiễm môi trường, năng suất nông sản bị sụt giảm, thoái hóa đất… Bên cạnh đó, cho đến nay, việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm sản xuất phân bón không phép; sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng của các lực lượng chức năng còn hạn chế.
Để khắc phục tình trạng trên, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, tổ chức điều tra, truy quét xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng. Đặc biệt, đề nghị Bộ Công an thành lập chuyên án để điều tra phát hiện và bắt giữ xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón giả theo quy định pháp luật.
Nguồn: baohaiquan.vn