Những yếu tố ảnh hưởng đến cung cầu phân lân trong năm 2022
Cập nhật: 23-02-2022 02:07:20 | Tin thị trường | Lượt xem: 426
Những yếu tố ảnh hưởng đến cung cầu phân lân trong năm 2022
Đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, những căng thẳng địa chính trị và tranh chấp thương mại là những yếu tố chính chi phối thị trường phân lân thế giới năm 2021. Những yếu tố này đã làm hạn chế nguồn cung phân bón và cùng với nhu cầu phân bón tăng nhanh đã khiến cho giá phân bón trên thế giới tăng đáng kể trong thời gian qua.
Nhưng một yếu tố khác sẽ có tác động lớn đối với triển vọng thị trường phân bón năm 2022 là việc khi nào Trung Quốc sẽ quay trở lại thị trường xuất khẩu phân lân toàn cầu. Trong thời gian qua, tình trạng thiếu nguồn cung từ Trung Quốc đã buộc một số quốc gia nhập khẩu phân lân phải tìm kiếm các nguồn cung mới, qua đó ảnh hưởng đến cân bằng cung cầu chung trên thị trường toàn cầu.
Các vấn đề về nguồn cung trong năm 2021
Trong năm 2021, một số vấn đề về nguồn cung phân lân trên thị trường thế giới đã xuất hiện.
Tháng 3/2021, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ ra phán quyết xác định việc nhập khẩu phân lân từ Marốc và Nga đã ảnh hưởng đến thị trường Mỹ. Ủy ban đã quyết định áp thuế chống trợ cấp từ 9% đến 47% lên một số loại phân lân nhập khẩu.
Sau đó, tháng 9-2021 Trung Quốc cho biết sẽ không xuất khẩu phân lân cho đến sớm nhất là tháng 6/2022. Hiện nay, Trung Quốc chiếm khoảng 30% khối lượng thương mại phân lân trên toàn cầu.
Công ty tư vấn CRU tại Luân Đôn (Anh) đánh giá, hai sự kiện nêu trên đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung phân lân trong năm 2021. Theo CRU, nguồn cung phân lân cho Mỹ hiện đang trong giai đoạn điều chỉnh. Các công ty Mỹ đang khảo sát nguồn cung để nhập khẩu phân lân từ những nơi khác trên thế giới.
Năm 2020, sản xuất phân lân tại Mỹ đạt 24 triệu tấn, trong khi đó lượng nhập khẩu khoảng 2-2,5 triệu tấn. Tuy Mỹ không phụ thuộc vào nguồn cung phân lân từ Trung Quốc, nhưng trong tình hình hiện nay một số quốc gia như Ấn Độ, Ôxtrâylia và các nước khác tại khu vực châu Á đã bắt buộc phải tìm kiếm nguồn cung phân lân từ những nơi khác.
Theo các ước tính, sản lượng phân lân của Trung Quốc dao động trong khoảng 90-95 triệu tấn/năm, xuất khẩu phân lân đạt khoảng 5 triệu tấn/năm.
Hiện tại Trung Quốc không xuất khẩu phân lân cũng như phân urê cho đến tháng 6/2022, nhưng các chuyên gia thị trường cho rằng sau đó nước này sẽ quay trở lại thị trường để xuất khẩu những loại phân bón đó.
Việc Trung Quốc rút khỏi thị trường xuất khẩu đã tạo ra nhiều cạnh tranh hơn giữa các nước tìm kiếm nguồn cung phân lân trên thế giới, khiến cho giá phân lân tăng cao.
Nhưng tin tốt là trong 5 năm qua các quốc gia sản xuất phân lân như Nga và Marốc đã xây dựng công suất sản xuất tương đối lớn. Vì vậy, thế giới chắc chắn sẽ không bị cạn kiệt phân lân nếu xảy ra các vấn đề về nguồn cung như hiện nay.
Theo Công ty CRU, trong số ba loại phân bón chính thì phân lân vẫn có khả năng sẽ tăng giá trong thời gian tới. Trong khi phân đạm và phân kali có thể đã tiến gần đến chu kỳ giảm giá, giá phân lân vẫn có thể tiếp tục tăng.
Nhu cầu tăng
Theo Báo cáo về triển vọng phân bón trung hạn 2021-2025 của Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA), lượng sử dụng ba loại phân bón N, P, K trong năm tài chính 2020-2021 ước đạt 198,2 triệu tấn, cao hơn năm tài chính 2019-2020 gần 10 triệu tấn (5,2%). Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm tài chính 2010-2011.
Tốc độ tăng trưởng của nhu cầu phân bón dự kiến sẽ giảm xuống 0,9%/năm trong năm tài chính 2021-2022, IFA dự báo tiêu thụ phân bón toàn cầu trong thời gian đó sẽ đạt 199,9 triệu tấn.
Nhu cầu phân lân toàn cầu trong năm tài chính 2020-2021 đã tăng 7,0%, đạt 49,6 triệu tấn. Sản lượng quặng phốtphat năm 2020 đạt 207 triệu tấn, thấp hơn so với năm 2019. Trong khi đó, sản lượng axit phốtphoric đã tăng cao hơn, đạt tổng cộng 87 triệu tấn.
Theo số liệu của IFA, trong thời kỳ 2015-2020 sản lượng axit phốtphoric toàn cầu đã tăng thêm 2,3 triệu tấn. Các nhà máy axit phốtphoric mới đã được xây dựng ở châu Phi, Tây Á, các nước mới nổi ở châu âu và Trung Á, nhưng một số nhà máy tại Bắc Mỹ và Đông Á đã ngừng hoạt động.
IFA dự báo trong 5 năm tới công suất axit phốtphoric trên thế giới sẽ tăng thêm 3,6 triệu tấn. Phần lớn các dự án mở rộng sản xuất đều nằm ở châu Phi cũng như các nước mới nổi ở châu âu, Trung Á.
Theo nhận định của Công ty CRU, nhu cầu phân lân toàn cầu sẽ tăng 2,9% trong thời gian 2021-2022 sau khi đã tăng 1,2 % trong thời gian 2020-2021.
Lượng sử dụng phân lân giảm khi giá tăng?
Mặc dù có những dự báo về sự gia tăng của nhu cầu phân lân toàn cầu, hiện đang có những câu hỏi về việc nông dân các nước sẽ sử dụng thực tế bao nhiêu phân lân trong bối cảnh giá tăng nóng như hiện nay.
Theo một chuyên gia tại Ngân hàng Rabobank (Mỹ), phân lân hiện là loại phân bón có nguồn cung thấp nhất tại thị trường Bắc Mỹ và lượng sử dụng phân lân trong năm 2022 có thể giảm 10% so với năm trước.
Trong trường hợp giá tăng cao, cả phân lân và phân kali đều đứng trước khả năng là lượng sử dụng sẽ bị cắt giảm nếu người nông dân nhận thấy giá tăng quá nhiều. Những người nông dân áp dụng phương pháp xét nghiệm mẫu đất có thể dễ dàng xác định hàm lượng phân lân trong đất của mình, bằng cách đó họ sẽ quyết định lượng sử dụng thích hợp cho từng thửa ruộng. Khác với phân đạm, việc cắt giảm lượng sử dụng phân lân và phân kali có thể được thực hiện mà không làm giảm năng suất thu hoạch.
Ngày nay, khác với những thời kỳ giá phân bón tăng cao trước đây, người nông dân đã có nhiều công cụ mới để sử dụng. Họ có thể áp dụng phương pháp bón phân linh hoạt hơn dựa trên khả năng tài chính của mình. Các tổng kết thống kê trước đây cho thấy, người nông dân sẵn sàng cắt giảm lượng sử dụng phân lân nếu họ cho rằng giá đã tăng quá cao. Năm 2008, khi giá tăng cao lượng sử dụng phân lân tại Mỹ đã giảm 32% so với năm trước, lượng sử dụng phân kali giảm 40%.
Nhưng một số chuyên gia phân bón không tin rằng nhu cầu phân lân sẽ giảm trong năm 2022 mặc dù giá đang ở mức cao. Giá nông sản hàng hóa năm nay đã đủ cao để người nông dân có lợi nhuận tốt, vì vậy họ có thể sẽ tiếp tục mua và sử dụng phân lân.
Lĩnh vực sử dụng tiềm năng mới
Một xu hướng mới nổi có thể ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng phân lân nói riêng và các hợp chất phốtphat nói chung là triển vọng sử dụng các hợp chất phốtphat để sản xuất các loại pin và ắc quy ion liti. Pin ion liti hiện đang được dùng phổ biến trong các thiết bị di động như điện thoại, máy chụp hình, máy chơi game, máy tính,… Không những thế, ắc quy ion liti đang được chú trọng phát triển trong các ứng dụng cho phương tiện giao thông (xe ôtô điện, xe đạp điện, xe máy điện,…) cũng như trong kỹ thuật hàng không và kỹ thuật quân sự. Đặc biệt, thị trường xe ôtô điện đang phát triển mạnh và trong tương lai xe ôtô điện có triển vọng sẽ thay thế dần các loại xe chạy xăng gây ô nhiễm môi trường. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính sẽ có 145 triệu xe điện trên toàn thế giới vào năm 2030. Nếu các chính phủ tăng cường nỗ lực đáp ứng các mục tiêu về năng lượng và khí hậu, con số đó có thể tăng cao hơn nữa - lên đến 230 triệu, cùng với đó là nhu cầu ắc quy ion liti sẽ rất lớn.
Trong tương lai, khi nguồn cung các hợp chất phốtphat dịch chuyển về phía các ứng dụng mới như trên, nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất phân lân có thể giảm, làm trầm trọng thêm các vấn đề về cung cầu
- Bản tin Công nghiệp Hóa chất số 1/2022 -