Phân bón có thể lại được… chịu thuế
Cập nhật: 29-08-2017 03:54:17 | Tin thị trường | Lượt xem: 1084
Phân bón có thể lại được… chịu thuế
Sau gần 3 năm để các doanh nghiệp sản xuất phân bón chờ đợi thay đổi chính sách, đến nay, Bộ Tài chính đã chính thức đề xuất đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Nếu đề xuất này được thông qua, vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp phân bón là không được hoàn thuế đầu vào như gần 3 năm qua sẽ được tháo gỡ.
Trong báo cáo định hướng sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến công khai trên website của bộ này, đề xuất kể trên được thuyết minh rằng, việc thực hiện quy định hiện hành (khoản 3a, Điều 5, Luật Thuế GTGT) về việc mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn. Nguyên nhân là do không chịu thuế nên doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào, phải tính vào chi phí sản phẩm, đẩy giá thành tăng và lợi nhuận giảm, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại.
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị lựa chọn một trong hai phương án. Thứ nhất là chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Lúc này, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Do số thuế GTGT đầu ra tính theo mức thuế suất 5% trong khi các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất khác như điện, nước, bao bì... đầu vào chịu thuế GTGT 10% nên doanh nghiệp cơ bản sẽ được hoàn thuế GTGT.
Thứ hai, chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT nhưng áp dụng mức thuế suất phổ thông là 10%. Nếu lựa chọn phương án này thì giá cả phân bón sẽ tăng lên do người mua phải trả thuế GTGT 10% (tăng thêm 5% khi mua sản phẩm, hàng hóa này). Số thu ngân sách nhà nước tăng nhưng doanh nghiệp sản xuất và người nông dân đều không được hưởng lợi trực tiếp.
Và Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1. Và thời điểm áp dụng là từ 1-1-2019.
Ngoài mặt hàng phân bón, Bộ Tài chính cũng có đề xuất tương tự với ba nhóm mặt hàng khác là máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ.
Như vậy, sau gần 3 năm chờ đợi với rất nhiều kiến nghị (bằng nhiều hội nghị, hội thảo, văn bản), các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã có thể tạm mừng vì Bộ Tài chính đã chính thức đề xuất sửa luật. Lâu nay, trong nhiều lần đối thoại, trước khó khăn của doanh nghiệp, cơ quan quản lý ở các cấp khác nhau (cục thuế tỉnh thành, Tổng cục Thuế) thường trả lời rằng sẽ ghi nhận, báo cáo với cấp trên nhưng việc sửa đổi nằm trong thẩm quyền của Quốc hội do là luật.
Trước đó, như TBKTSG Online từng đưa tin nhiều lần, các doanh nghiệp phân bón đã liên tục phản ánh việc mình gặp rất nhiều khó khăn khi áp dụng Luật số 71/2014/QH13 quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ ngày 1-1-2015. Do được miễn thuế GTGT (vốn trước đó chịu thuế 5%) chứ không phải giảm thuế xuống 0% nên doanh nghiệp phân bón trong nước vẫn phải đóng thuế GTGT đầu vào nhưng lại không được khấu trừ đầu ra, hoàn thuế cho các nguyên phụ liệu sản xuất khác như điện, nước, bao bì...
Điều này đang gây ra nhiều hệ lụy trong ngành phân bón: chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trong nước tăng, phải tăng giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng (nông dân), không cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu (không phải chịu thuế GTGT). Rất nhiều doanh nghiệp cho biết đã sụt giảm lợi nhuận do doanh thu đi xuống.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp đã kiến nghị được chịu thuế GTGT 5% trở lại như trước khi Luật 71 có hiệu lực hoặc chịu thuế 0%.
Ở thời điểm có các kiến nghị này, Bộ Tài chính cũng đã có những giải thích. Chẳng hạn như tại công văn 3637/BTC-CSTV/v chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón ngày 18-3-2016 trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính nói rằng chính sách phân bón không chịu thuế GTGT phù hợp với thực tế, thông lệ quốc tế, đã góp phần giảm giá mua cho người nông dân. Bởi lẽ, phân bón không chịu thuế ở tất cả các khâu nhập khẩu, sản xuất, bán buôn và bán lẻ. Khi không chịu thuế, giá bán của thương nhân không có thuế GTGT, người nông dân được giảm giá. Trong khi đó, giá bán của doanh nghiệp sản xuất phân bón khi không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào ở khâu sản xuất chỉ tăng ở mức 0,71% so với trước đó.
Bộ Tài chính cho biết cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đã được đồng ý giữ chính sách này.
Sang đến năm 2017, tại hội nghị giữa Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp, trước kiến nghị của doanh nghiệp phân bón về việc đưa mặt hàng này về mức 0%, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng như vậy không phù hợp với thông lệ quốc tế và chiến lược cải cách hệ thống thuế nhưng khẳng định sẽ nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền khi sửa đổi Luật thuế GTGT.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn online