Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English
CÔNG TY CỔ PHẦN DAP - VINACHEM

Công ty cổ phần DAP - Vinachem

Niềm vui của nhà nông

Phân bón giả, kém chất lượng: nông dân điêu đứng

Cập nhật: 12-06-2021 04:56:38 | Tin thị trường | Lượt xem: 611

Phân bón giả, kém chất lượng: nông dân điêu đứng

Trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân không những phải đối mặt với nhiều rủi ro về thị trường, giá cả, thời tiết... hơn nữa, khi sử dụng nhầm phân bón giả, kém chất lượng khiến cho không ít nông dân điêu đứng.

Vi phạm gia tăng, nông dân chịu thiệt

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho thấy, 6 tháng đầu năm 2016 khối lượng nhập khẩu phân bón các loại ước đạt khoảng 1,9 triệu tấn. Nguồn nhập khẩu phân bón chủ yếu vẫn từ Trung Quốc với gần 50% tổng khối lượng nhập khẩu.

Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, đến nay cơ quan này chỉ cấp phép cho 67 doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ. Với phân bón vô cơ, theo ông Nguyễn Văn Thanh - cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), đến nay cũng mới chỉ có 288 doanh nghiệp được cấp phép, trong số hơn 450 hồ sơ gửi đến cơ quan này.

Số liệu từ Cục Quản lý thị trường cho thấy cả nước hiện có khoảng 16.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh phân bón, trong đó có hơn 1.000 doanh nghiệp sản xuất. Với số liệu này, ông Hồ Quang Thái, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cho rằng khoảng 70% số doanh nghiệp sản xuất phân bón hiện đang sản xuất “chui”, hoạt động không phép (Lê Sơn, 2016).

Theo Cục Trồng trọt, đã có nhiều đợt kiểm tra chất lượng phân bón được sản xuất và lưu hành trên thị trường. Qua kiểm tra đã phát hiện gần 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì. Cá biệt có những loại phân bón kém chất lượng tới mức chỉ còn 10% - 30% hàm lượng theo đăng ký và công bố.

Cũng theo đánh giá từ Cục trồng trọt, vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng cũng như hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất và kinh doanh phân bón đang có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn. Bên cạnh doanh nghiệp làm ăn chân chính, vẫn còn không ít doanh nghiệp bất chấp các thủ đoạn, bất chấp đạo đức sản xuất phân bón kém chất lượng, mặc dù các cơ quan quyết liệt ra quân triệt phá nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Theo đó, trung bình mỗi năm, ngành chức năng xử lý hơn 3.000 vụ vi phạm, thu giữ gần 1.000 tấn phân bón các loại. Tuy nhiên đây chỉ là phần nổi, phần chìm chưa phát hiện được còn nhiều hơn.

Theo nhìn nhận của các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân để cho thực trạng phân bón giả hoành hành là việc kiểm tra, xử lý đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón gặp nhiều khó khăn, như: lực lượng quản lý thị trường địa phương còn mỏng, thiếu người có kinh nghiệm và phương tiện kiểm tra. Để xác định chất lượng, phải gửi mẫu đi xét nghiệm, mất nhiều thời gian mới có kết quả. Một số doanh nghiệp bị phát hiện nhiều lần kinh doanh, sản xuất phân bón giả, kém chất lượng nhưng cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính nên không đủ sức răn đe.

Hơn nữa, bất cập lớn là thị trường phân bón Việt Nam đang có khoảng 7.000 chủng loại. So với các nước thì đây là một con số quá lớn vì với các nước phát triển họ chỉ sử dụng từ 20 – 30 loại phân bón truyền thống, ngay Thái Lan, một đất nước có nền nông nghiệp phát triển họ cũng chỉ có và cho phép sử dụng, sản xuất tới 100 loại phân bón. Việc tồn tại quá nhiều chủng loại sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh và hướng dẫn sử dụng cho người nông dân.

Phân bón đang chiếm tới 60% chi phí vật tư nông nghiệp nhưng với “ma trận” phân bón giả, kém chất lượng như trên, người nông dân thật khó mà tránh khỏi. Bởi phân bón kém chất lượng nếu nhìn bề ngoài không thể biết được, chỉ nhận biết sau khi bón lên cây, hoặc mang đi kiểm định chất lượng. Do đó, việc mua phải phân bón giả là chuyện đã rồi, nhưng hệ lụy kinh tế, môi trường sau đó sẽ rất lớn.

Theo tính toán sơ bộ, “phân bón giả, kém chất lượng đang làm cho nền kinh tế mất 2,6 tỷ USD/năm và rất nhiều hệ lụy về xã hội khác", TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới nhận định (Lê Nghĩa, 2016).

Cần chế tài đủ mạnh

Tại hội thảo “Phân bón giả - tác hại thật” tổ chức ngày 14/07, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, cho rằng: Nhà nước cần đưa ra các chế tài đủ mạnh để điều chỉnh, xử lý để đẩy lùi nạn phân bón giả; tăng cường tuyên truyền, làm thế nào các tổ chức kinh doanh không sản xuất phân bón giả; tuyên truyền đến người tiêu dùng đến các cơ sở, các sản phẩm không đạt chất lượng. Sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng, tố giác tội phạm không để cho các đối tượng có đất sống.

Cũng tại Hội thảo trên, ông Hồ Văn Thái – Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, khẳng định cần tập trung tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, cho cơ sở sản xuất uy tín để người tiêu dùng biết đến các đơn vị này như một địa chỉ vàng, bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm với bà con, hiệu quả mùa màng của người nông dân; giúp bà con nông dân về thông tin, tuyên truyền kiến thức đến bà con.

Theo ông Thái, bà con muốn xem phân bón thật hãy vào trang web của Bộ Công Thương để xem doanh nghiệp nào được cấp phép được và xem so sách công bố các chỉ số trên bao bì có phù hợp với quy định các cơ quan chức năng hay không.

Để ngăn chặn tình trạng trên, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, bên cạnh nâng mức xử phạt, xử lý triệt để hành vi sản xuất - kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, ngành chức năng cần chủ động công khai danh sách, địa chỉ những cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại những khu vực đông dân cư... để mọi người dân được biết. Đồng thời, đột xuất lấy mẫu phân bón của các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh gửi cơ quan có chức năng kiểm nghiệm; nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương cũng phối hợp mở đợt tấn công, truy quét quyết liệt những cơ sở, đại lý sản xuất pha trộn, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trên lĩnh vực này.

Trong hoàn cảnh hạn hạn, mặn xâm nhập đang diễn ra trên diện rộng, nếu nông dân phải gánh thêm hậu quả từ việc mua nhầm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng sẽ đẩy họ vào sự “mất mùa kép”. Vì vậy, các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cần có các giải pháp hiệu quả, đồng bộ để kịp thời xử lý triệt để tình trạng này, tránh cho nông dân phải gánh chịu những thiệt thòi quá lớn và những hệ lụy, ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội từ tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng./.

Nguồn: Kinhtevadubao.vn