Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English
CÔNG TY CỔ PHẦN DAP - VINACHEM

Công ty cổ phần DAP - Vinachem

Niềm vui của nhà nông

Phân bón giả, kém chất lượng vẫn “hoành hành”

Cập nhật: 04-08-2017 08:32:58 | Tin thị trường | Lượt xem: 910

Phân bón giả, kém chất lượng vẫn “hoành hành”

Phân bón đóng vai trò quan trọng trong việc canh tác, trồng trọt. Tuy nhiên do lợi nhuận lớn, khâu kiểm soát chưa được chặt chẽ, thời gian qua, phân bón giả, phân bón kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, khiến bà con nông dân hết sức bức xúc. Mỗi năm, phân bón giả gây thiệt hại khoảng 2 tỷ USD với ngành nông nghiệp, đồng thời khiến đất đai cằn cỗi, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người.

Theo số liệu ước tính của Cục QLTT (Bộ Công Thương), trung bình mỗi năm, lực lượng QLTT xử lý trên 3.000 vụ vi phạm, thu giữ gần 1.000 tấn phân bón các loại. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm niêm yết giá, sản xuất phân bón khi chưa có cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép và không thực hiện công bố hợp quy trong sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng, để phân bón tiếp xúc với nền đất tại địa điểm kinh doanh...

Với phương thức, thủ đoạn tinh vi, các đối tượng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng không sản xuất tập trung quy mô lớn như trước mà chuyển sang sản xuất nhỏ lẻ, dùng cuốc xẻng để trộn phân bón… sản xuất vào ban đêm, các ngày nghỉ, không để hàng tồn kho; dùng gạch, đất, đá nghiền để pha trộn thành phân bón, sau đó đóng bao bì của các nhà sản xuất có thương hiệu để lừa người dân. Các đối tượng vi phạm thường tổ chức sản xuất, san chiết, đóng gói, dán nhãn mác phân bón tại các địa điểm vùng sâu, vùng xa, nơi hẻo lánh hoặc bên cạnh các khu công nghiệp, xa dân cư, khó kiểm soát và liên tục thay đổi địa điểm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Trước thực trạng phân bón giả đang hoành hành và trở thành vấn nạn, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 636/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ. Thời gian kiểm tra bắt đầu từ ngày 15/3 đến tháng 9/2017, với mục tiêu đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công phân bón vô cơ trong việc duy trì và thực hiện các điều kiện sản xuất phân bón theo quy định của pháp luật.

Ngay khi có chỉ đạo của Bộ Công Thương, Cục QLTT đã làm việc với Chi cục QLTT một số địa phương, như: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An… để đôn đốc việc triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ. Đồng thời, để có cơ sở rà soát và kiểm tra vi phạm trong lĩnh vực phân bón, Bộ Công Thương đã ban hành 25 Quy chuẩn Việt Nam kể từ đầu năm 2017 đến nay. Trong đó bao gồm 15 Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng phân bón vô cơ; 3 dự thảo Quy chuẩn Việt Nam đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, đang tiếp thu ý kiến thẩm định trước khi ban hành; 7 Quy chuẩn kỹ thuật khác đã hoàn thiện dự thảo, đang trong quá trình xin ý kiến các Bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội…).

Tại Hà Nội, Cục QLTT đã phối hợp với Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra một số cơ sở sản xuất và kinh doanh phân bón như Công ty TNHH hỗ trợ phát triển nông nghiệp Thăng Long (Quốc Oai, Hà Nội), Cơ sở Sản xuất, kinh doanh phân bón thuộc Công ty Hóa sinh và Phát triển công nghệ mới Vihitesco (Thường Tín, Hà Nội), Công ty CP Đầu tư thương mại Bình Nguyên (Từ Liêm, Hà Nội), Công ty TNHH AMF Thiên Bình (Hoài Đức, Hà Nội)… Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra 513 doanh nghiệp sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón trên cả nước và xử lý 198 vụ vi phạm với tổng mức xử phạt gần 1,35 tỷ đồng.

Trước những tác hại của nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, để hạn chế việc mua nhầm phân bón giả, phân bón kém chất lượng, một số khuyến cáo cho bà con nông dân là nên chọn mua các sản phẩm có thương hiệu rõ ràng, uy tín. Không mua các loại phân bón của những người bán dạo hoặc đến tận gia đình giới thiệu với nhiều chiêu trò khuyến mãi. Người dân có thể truy cập website của Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương để tìm hiểu thông tin về sản phẩm phân bón vô cơ của DN sản xuất được phép bán trên thị trường.

Phân bón là mặt hàng quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp, trước thực trạng phân bón giả tràn lan như hiện nay, các bộ, ngành và địa phương cần nâng cao hiệu quả phòng, chống phân bón giả, kém chất lượng và các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón; đồng thời triển khai đồng bộ, quyết liệt những giải pháp, trong đó cần đặc biệt quan tâm công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Nhà nước cần đưa ra các chế tài đủ mạnh để điều chỉnh, xử lý nhằm đẩy lùi nạn phân bón giả, kém chất lượng, góp phần làm trong sạch thị trường.

Nguồn: Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng