Phân bón nhái, doanh nghiệp bị vạ lây
Cập nhật: 28-10-2018 03:30:56 | Tin thị trường | Lượt xem: 808
Phân bón nhái, doanh nghiệp bị vạ lây
Sản phẩm của DN luôn là mục tiêu để các đối tượng làm phân bón giả, phân bón nhái, kém chất lượng mang nhãn hiệu của công ty đưa ra thị trường tiêu thụ, trà trộn với sản phẩm chính thống để kiếm lợi.
Lãnh đạo của công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, DN là đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón chứa lân có sản lượng lớn nhất Việt Nam hiện nay. Các sản phẩm phân bón được nông dân cả nước tín nhiệm và đang được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia...
Chính vì thế, sản phẩm của DN luôn là mục tiêu để các đối tượng làm phân bón giả, phân bón nhái, kém chất lượng mang nhãn hiệu của công ty đưa ra thị trường tiêu thụ, trà trộn với sản phẩm chính thống để kiếm lợi.
Điển hình là năm 2012 tại xã An Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, bà con nông dân đã mua phải phân bón NPK-S 5.10.3-8 giả phân bón Lâm Thao. Sau khi bón cho cây ngô một thời gian, cây ngô có biểu hiện sinh trưởng và phát triển kém, lá vàng, năng suất thấp, thậm chí cây bị chết.
Bà con đã phản ánh, các cơ quan chức năng đã điều tra và phát hiện một cơ sở ở Hà Nội làm phân bón Lâm Thao giả từ đất sét và bột đá, không có dinh dưỡng cho cây trồng, rồi chuyển bằng ô tô về các cửa hàng bán phân bón tại huyện Lạc Sơn bán với giá rẻ cho nông dân.
Chiêu trò khác của một số cửa hàng kinh doanh phân bón nhỏ lẻ là lấy vỏ bao bì phân bón Lâm Thao đã sử dụng, sau đó cho sản phẩm giả vào và bán lẻ cho người tiêu dùng.
Theo ông Bùi Thế Chuyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả và phân bón kém chất lượng, mỗi năm Việt Nam đã mất đi từ 2 đến 2,5 tỷ USD. Ngoài ra, phải kể đến những thiệt hại và hậu quả chưa đo đếm được như làm suy kiệt “sức khỏe đất trồng trọt”, dẫn đến cây trồng không đạt năng suất, cây yếu sẽ bị sâu bệnh tấn công nhiều hơn khiến phải tăng thêm kinh phí cho việc phòng và trị sâu bệnh hại…
Mặt khác, các mặt hàng nông sản Việt Nam đang hướng tới thị trường quốc tế sẽ không đảm bảo chất lượng, việc xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, để giảm thiểu thiệt hại do phân bón nhái và giả, hiệu quả nhất là giúp người nông dân hiểu rõ về phân bón để tự biết cách phòng ngừa. Các DN sản xuất phân bón cần sử dụng mã vạch sản phẩm hoặc các phương tiện kỹ thuật số khác để tự kiểm soát hàng giả. Cuối cùng, DN phải xây dựng hệ thống phân phối bán hàng khép kín đến tận các đại lý bán lẻ cho nông dân.
Nguồn: Thoibaonganhang.vn