Phân bón nội chật vật giành thị phần
Cập nhật: 04-08-2017 09:59:14 | Tin thị trường | Lượt xem: 1128
Phân bón nội chật vật giành thị phần
Trước thực trạng thị trường phân bón nội không ngừng bị phân bón nhập khẩu lấn át, các doanh nghiệp (DN) phân bón trong nước kêu khó vì chính sách thuế giá trị gia tăng, năng lực yếu kém và mới đây nhất, việc sẽ không áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón nhập khẩu khiến cho ngành phân bón trong nước sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2017.
Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/1 đến hết ngày 15/2/2017, Việt Nam nhập khẩu hơn 500 nghìn tấn phân bón các loại, đạt giá trị hơn 141 triệu USD. Những mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất phải kể tới phân kali chiếm hơn 165 nghìn tấn, phân SA chiếm 138 nghìn tấn, phần DAP 115 nghìn tấn và phần Urê 38 nghìn tấn.
Ngoại ép nội
Lượng phân Urê, phân NPK, dù trước đó được đánh giá trong nước đã có thể đáp ứng đủ, nhưng thực tế lại là những mặt hàng phân bón được nhập khẩu nhiều, khiến cho phân bón trong nước rơi vào tình trạng tồn kho quá tải. Theo thống kê 5 năm trở lại đây, Việt Nam luôn là nước nhập siêu phân bón. Cụ thể, năm 2015, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng phân bón đạt 4,56 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 1,43% tỷ USD, tăng 201,2% về khối lượng và tăng 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, so với năm 2014, khối lượng nhập khẩu phân Urê ước đạt 652 nghìn tấn với giá trị đạt 192 triệu USD, gấp 3 lần về khối lượng và tăng 2,97 lần về giá trị; phân SA ước đạt 1,05 triệu tấn với giá trị nhập khẩu đạt 148 triệu USD, tăng 13,1% về khối lượng và tăng 18,3% về giá trị.
Năm 2016, nhập khẩu phân bón của Việt Nam đạt 4,15 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 1,11 tỷ USD, giảm 1,9% về lượng và 22% về trị giá. Tuy nhiên, riêng mặt hàng phân Urê đã nhập khẩu tới 141 triệu USD.
Năm 2017, Bộ Công Thương dự tính, nhập khẩu phân bón sẽ tương đương với năm 2016 ở mức 1,1 tỷ USD.
Điều này cho thấy, phân bón nội đang ngày càng lâm vào thế bí, do hàng hóa sản xuất bị tồn đọng bởi sự o ép của phân bón nhập ngoại.
Theo ông Vũ Đức Minh Hiếu, chuyên gia phân tích thị trường phân bón Việt Nam, chỉ tính riêng mặt hàng phân Urê tại Việt Nam năm 2015 đạt hơn 2,9 triệu tấn, vượt xa nhu cầu ngành nông nghiệp cần để sản xuất. Trong khi đó, lượng phân Urê xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015 chỉ đạt 200.000 tấn.
“Riêng nguồn cung phân Urê đã dư tới 500.000 tấn. Còn NPK mỗi năm phải nhập khẩu gần 4 triệu tấn dù sản xuất dư thừa”, ông Hiếu cho biết.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), thị trường Trung Quốc chiếm hơn 55% lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam. Hơn nữa, giá phân bón của Trung Quốc nhập khẩu giảm rất mạnh, gần 30% so với giá phân bón các nước như Nga (chỉ giảm 10%).
“Việc giá giảm mạnh của phân bón Trung Quốc đã và đang gây khó khăn, làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà máy sản xuất phân bón trong nước”, báo cáo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại nhận định. Không chỉ thị trường nội địa, phân bón Trung Quốc cũng đang làm khó phân bón Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu chính. Một thông tin bất lợi cho ngành phân bón mới được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết là thời gian tới sẽ chưa áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân Urê và phân DAP nhập khẩu.
Sẽ không có biện pháp phòng vệ
Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, hiện chưa áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành phân bón. Nguyên nhân được Cục này lý giải là đối với mặt hàng phân ure, hiện nay Việt Nam có 4 DN sản xuất gồm: Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sản xuất từ khí với công suất mỗi công ty 800.000 tấn/năm; Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc thuộc Vinachem sản xuất từ than với công suất lần lượt 480.000 tấn/năm và 560.000 tấn/năm. Hai doanh nghiệp sản xuất phân đạm từ than là đối tượng chịu thiệt hại chính do giá than tăng cao trong thời gian qua.
Cục Quản lý Cạnh tranh đã gửi báo cáo lên Bộ Công Thương cho rằng đề nghị khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại là chưa có căn cứ do những vấn đề về chính sách thuế giá trị gia tăng cũng như các vấn đề về bản thân DN. Đối với mặt hàng DAP, hiện tại trong nước có hai DN thuộc Vinachem là DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai với tổng công suất 660.000 tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này ở Việt Nam là 1 triệu tấn/năm.
Đánh giá về nhập khẩu, chưa thấy có dấu hiệu tăng đột biến một cách tuyệt đối xét về lượng nhập khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2015, lượng nhập khẩu DAP đạt 978 nghìn tấn, trị giá 453 triệu USD, tăng 1,76% về lượng và 2,2% về giá trị so với năm 2014. Năm 2016, lượng nhập khẩu đạt 762 nghìn tấn, giảm 22,1% về lượng và 38% về giá trị.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, lượng nhập khẩu vẫn tăng tương đối so với với lượng sản xuất trong nước đến 36,3% trong năm 2016. Trong khi đó, giai đoạn 2013 – 2015, lượng sản xuất của các công ty phân bón DAP tăng nhưng mức tăng đã giảm dần. Đến năm 2016, lượng sản xuất giảm 1,4 lần so với năm 2015, công suất sử dụng năm 2016 chỉ còn 26,47%, giảm mạnh so với năm 2015.
Lượng tồn kho tăng liên tục từ năm 2014 đến nay, lượng bán hàng năm 2016 giảm trên 40% so với năm 2015. Lợi nhuận của các công ty phân bón năm 2015 chỉ đạt hơn 27 tỷ đồng, giảm 2,8% so với năm 2014. Đến hết năm 2016, các công ty sản xuất DAP lỗ tới 460 tỷ đồng.
Do vậy, Cục Quản lý cạnh tranh đánh giá rằng chưa có đủ cơ sở khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng này theo quy định WTO và pháp luật phòng vệ thương mại Việt Nam, cần phải theo dõi và phân tích thêm lượng nhập khẩu năm 2017.
Như vậy, thời gian tới, phân bón nội sẽ không được bảo vệ bằng các biện pháp phòng vệ thương mại, sớm nhất cũng phải giữa năm 2017 nếu có đủ cơ sở, bởi việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ dẫn đến gia tăng chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất nông nghiệp vì hiện nay, phân Urê và DAP được sử dụng để bón cho cây trồng, giúp cây tăng trưởng.
Trước đó, theo đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), hiện quy định về nhập khẩu phân bón đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Thuế suất nhập khẩu phân bón hiện nay là 0%, khiến tình trạng phân bón giá rẻ, nhất là từ Trung Quốc nhập về Việt Nam đạt số lượng lớn, còn phân bón trong nước tồn kho quá tải.
Ngoài ra, liên quan tới vấn đề thuế, trong năm 2016, hàng loạt DN, đại diện cơ quan quản lý chỉ ra, chính sách thuế giá trị gia tăng đối với phân bón đang khiến DN sản xuất phân bón trong nước điêu đứng và kiến nghị đưa phân bón vào chịu thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay, kiến nghị này còn đang được Chính phủ xem xét. Như vậy, có thể thấy, ngành phân bón sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2017 khi diễn biến thị trường trong nước ngày càng rơi vào tình trạng bão hòa.
Ông Nguyễn Hạc Thúy – Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam
——————————-
DN nên đầu tư khai thác các sản phẩm mới mà Việt Nam đang thiếu như: Sản xuất phân bón SA, phân Kali (hiện nay Việt Nam không sản xuất được phân Kali do không có quặng Kali, nên phải nhập khẩu hoàn toàn) để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng, giảm thiểu lượng phân bón nhập khẩu. Còn riêng với phân Urê, hiện tại sản xuất trong nước đã dư thừa. Phân bón NPK cũng đáp ứng được thị trường và hướng tới xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương)
——————————-
Ngành phân bón hiện đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi năng lực sản xuất phân Urê và NPK trong nước đang ở tình trạng cung vượt cầu, hàng nhập khẩu tăng cao. Những năm gần đây, giá nông sản thấp, thời tiết, khí hậu không thuận lợi khiến cho nhu cầu phân bón trong nước suy giảm.
Ông Vũ Đức Minh Hiếu – Chuyên gia phân tích thị trường phân bón Việt Nam
——————————-
Nhu cầu phân bón ngắn hạn trong 5 năm tới chỉ khoảng 1,5 – 2% song nguồn cung liên tục tăng cao gấp 2 – 3 lần do nhiều nhà máy đi vào sản xuất. Chính vì vậy, giá cả trong ngắn hạn dự kiến sẽ giảm, gây khó khăn cho sản xuất trong nước.
Nguồn: vfpress.vn