Sớm sửa Luật Thuế 71 gỡ khó cho doanh nghiệp phân bón vượt qua dịch Covid-19
Cập nhật: 13-04-2020 03:40:34 | Tin thị trường | Lượt xem: 1060
Khó khăn chồng chất do nguyên liệu đầu vào tăng, giá nông sản giảm, lại thêm dịch Covid-19, doanh nghiệp sản xuất phân bón kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm sửa Luật Thuế 71.
Từ năm 2018 đến nay, do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung đã khiến dịch tích trồng lúa bị thu hẹp đi đáng kể. Đến nay, đã có 5 tỉnh tại miền Tây là Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An công bố tình trạng khẩn cấp.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng đang khiến việc xuất khẩu, tiêu thụ mặt hàng nông sản gặp muôn vàn khó khăn, các xe tải chở hàng xuất khẩu sang Trung Quốc hiện đang nằm chờ số lượng lên tới hàng nghìn xe tại Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Đứng trước khó khăn lịch sử cả do khách quan và chủ quan hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước một lần nữa kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm sửa đổi Luật Thuế số 71 để từ đó hạ giá thành sản phẩm đầu vào cho bà con nông dân, đồng thời giúp hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước vượt qua giai đoạn cam go này.
Theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, một trong những chính sách ảnh hưởng lớn tới ngành phân bón hiện nay là Luật Thuế số 71.
Theo Khoản 1, Điều 13 Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội quy định, phân bón là mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/1/2015. Do đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào (kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định) dùng cho sản xuất phân bón, toàn bộ chi phí này phải tính vào chi phí sản xuất.
Theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước gửi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) năm 2019, thống kê, số thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam từ năm 2015 đến nay đã là hơn 3.000 tỷ đồng, riêng năm 2018 là trên 583 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc trên 143 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao 150 tỷ đồng, Công ty Cổ phần DAP VINACHEM gần 92 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình 120 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình, Công ty Cổ phần Phân lân Nung chảy Văn Điển, Công ty Cổ phần Phân bón miền Nam dao động từ 35 - 50 tỷ đồng.
Riêng hai doanh nghiệp sản xuất đạm ure lớn nhất cả nước thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dấu khí (Đạm Phú Mỹ) và Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau 9Đạm Cà Mau) cũng lên tới khoảng 2.000 tỷ đồng.
Theo Luật Thuế 71, thuế GTGT lại giảm 5% đối với mặt hàng phân bón nhập khẩu, qua đó giúp phân bón nhập khẩu có lợi thế về giá so với phân bón sản xuất trong nước. Thực tế, việc cạnh tranh giữa phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước ngày càng khốc liệt và khoảng cách ngày một nới rộng theo hướng có lợi cho phân bón nhập khẩu.
Bên cạnh đó, theo ông Phùng Hà, việc áp dụng Luật Thuế 71 còn làm tăng tổng mức đầu tư các dự án sản xuất phân bón mới, dẫn đến các doanh nghiệp sẽ không "mặn mà" đầu tư sản xuất các loại phân bón thế hệ mới, với các tính năng ưu việt hơn như phân bón tan chậm, phân bón điều khiển tan, phân bón nhiều tính năng...
Từ những bất cập nêu trên, các doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội Phân bón Việt Nam đều thống nhất kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức 0% hoặc 5% như trước đây.
Ngoài việc kiến nghị sửa Luật Thuế số 71, ông Phùng Hà cho rằng, các Bộ Công Thương, Tài chính, Bộ NN-PTNT cũng cần nghiên cứu, rà soát và đánh giá thật khách quan các quy định, chính sách, các tác động đến sản xuất trong nước, đến với người nông dân không chỉ đối với mặt hàng DAP mà cả mặt hàng ure nhập khẩu hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP VINACHEM cho biết, Luật Thuế 71 quy định thuế GTGT hàng năm phải tính vào chi phí sản khiến giá thành sản xuất của các doanh nghiệp phân bón tăng 3 - 4%, từ đó ảnh hưởng làm tăng giá bán sản phẩm. Như vậy mục đích tốt đẹp ban đầu khi ban hành Luật Thuế 71 để hỗ trợ nông dân được hưởng lợi, giúp doanh nghiệp trong nước tăng sức cạnh tranh không đạt mục tiêu.
Nay ngành phân bón đang đứng trước khó khăn thách thức vô cùng lớn bởi đại dịch Covid-19, việc Chính phủ, Quốc hội sớm sửa đổi Luật Thuế 71 chính là liều thuốc quan trọng giúp nông dân và doanh nghiệp sản xuất phân bón vượt qua giai đoạn khó khăn này để ổn định ngành phân bón trong nước cũng chính là ổn định nền nông nghiệp của nước nhà.
Nguồn: Nguyên Huân - nongnghiep.vn