Thế giới đang đối mặt tình trạng thiếu phân bón
Cập nhật: 22-10-2022 03:23:06 | Tin thị trường | Lượt xem: 754
Thế giới đang đối mặt tình trạng thiếu phân bón
Thế giới đối mặt với tình trạng thiếu phân bón do sự đứt gãy trong chuỗi thực phẩm và hậu cần, giá năng lượng cao.
Ông Oleg Kobyakov, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO) về quan hệ với Nga, cảnh báo rằng năm tới, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu phân bón. Đó là do sự đứt gãy trong chuỗi thực phẩm và hậu cần, giá năng lượng cao.
Tình trạng thiếu phân bón thực chất là tình trạng thiếu lương thực. “Nếu chúng ta không bình thường hóa thị trường phân bón, chúng ta sẽ gặp vấn đề về lương thực vào năm 2023”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cảnh báo.
Hiệp hội các nhà sản xuất quốc tế dự đoán rằng nông dân sẽ giảm sử dụng phân bón xuống 7%.
Theo tờ Corriere della Sera của Italia, Liên Hợp Quốc đang đàm phán với Mátxcơva và Kiev, cố gắng giải quyết vấn đề cung cấp amoniac từ Nga thông qua Ukraina. Đây vốn là thứ cần thiết cho việc sản xuất phân bón.
Năm 2022, giá cả trên thị trường phân bón toàn cầu đã tăng mạnh. Nguyên nhân là do các chuỗi cung ứng hậu cần bị phá hủy do các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga, cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu. Trong bối cảnh hiện tại, thị trường phân bón toàn cầu có thể đang thiếu hụt nguồn cung.
Trên thực tế, không có lệnh trừng phạt nào đối với mảng phân bón của Nga, nhưng hầu hết các công ty nước ngoài thực hiện vận tải đều từ chối vào các cảng của Nga, và các tổ chức tài chính không thể thực hiện thanh toán được. Trước tình hình đó, Nga đã áp dụng lệnh hạn chế xuất khẩu phân bón, và điều này cũng ảnh hưởng đến việc tăng giá.
Tại Châu Âu, nơi đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng gay gắt nhất, sản lượng phân bón đã giảm 70%. Tại Anh, việc sản xuất amoni và amoniac đã bị công ty Mỹ CF Industries Holdings đình chỉ. Ở Lithuania là nhà máy Achema. Tại Ba Lan, công ty hóa chất Grupa Azoty đã ngừng sản xuất phân bón nitơ, caprolactam và polyamide-6. Công ty BASF của Đức bắt đầu cắt giảm sản lượng amoniac vào mùa hè, trong khi một nhà sản xuất lớn khác của Đức là SKW Piesteritz cũng đã giảm tải.
Nếu giá năng lượng không giảm, thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu phân đạm trầm trọng, theo một số ước tính, thiệt hại có thể lên đến hơn 10% sản lượng. Không có công suất dư thừa nào trên thị trường có thể thay thế các nguồn cung cấp đã mất đi.
2/3 tổng nguồn cung trên thị trường kali toàn cầu được cung cấp bởi ba quốc gia - Canada, Nga và Belarus. Canada sản xuất khoảng 1/3 nguồn cung cấp kali thế giới, trong khi Nga và Belarus sản xuất gộp lại 1/3 khác. Với nguồn cung hạn chế từ Nga và Belarus, các công ty Canada đang kiếm được lợi nhuận kỷ lục.
Đối tượng tiêu thụ chính của cả ba loại phân bón này là các nhà sản xuất cây trồng có hạt. Trong số này, hầu hết các loại phân bón cần thiết cho việc trồng ngô, lúa mì và lúa gạo. Việc thiếu vụ mùa trong tương lai sẽ dẫn đến sự gia tăng bùng nổ về giá lương thực trên thế giới, lạm phát và nạn đói.
Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, thiết lập chuỗi hậu cần, khôi phục nguồn cung cấp khí đốt cho Châu Âu từ Liên bang Nga sẽ tháo gỡ mọi vấn đề trên thị trường phân bón, và sẽ xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng. Nhưng hiện tại vẫn chưa có gợi ý nào về hướng đi này.
Đối với Nga, không có vấn đề gì về phân bón cũng như năng suất ở trong nước. Lượng phân bón sản xuất ra đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Năng suất sản xuất ngũ cốc cao góp phần duy trì giá nội địa ở mức ổn định ít nhiều.