Thị trường phân bón thế giới -Triển vọng nhu cầu trung hạn 2020-2024
Cập nhật: 19-11-2020 05:09:57 | Tin thị trường | Lượt xem: 613
Thị trường phân bón thế giới -Triển vọng nhu cầu trung hạn 2020-2024
Bối cảnh kinh tế, chính trị và nông nghiệp Tác động kinh tế nghiêm trọng của dịch COVID-19
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tháng 4-2020 Quỹ Tiền tệ thế giới IMF dự báo hoạt động kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 3%, tức là sẽ xấu hơn so với tình trạng suy giảm đã diễn ra trong năm 2019 trước đó.
Trong thời gian qua, nhiều nỗ lực chính trị trên khắp thế giới đã tập trung vào các biện pháp phòng chống virut corona nhằm bảo đảm duy trì hoạt động kinh tế và tạo cơ sở cho sự khởi động lại một cách trơn tru hoạt động kinh tế thế giới sau đại dịch. Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã có những đáp ứng tích cực, tuy không đồng đều.
Tình trạng phong toả toàn quốc, diễn ra rộng rãi trên toàn cầu, và sự ngắt quãng của chuỗi cung ứng cũng như hoạt động du lịch quốc tế trong nửa đầu năm 2020 đã dẫn đến những bất ổn sâu rộng trong hoạt động kinh doanh và kinh tế toàn cầu cũng như sự dao động mạnh của tỷ giá hối đoái và giá hàng hóa.
Giá dầu thô đã giảm 70% trong thời gian từ giữa tháng 1 đến tháng 4-2020. Theo Tổ chức Thương mại thế giới WTO, giao dịch hàng hóa toàn cầu sẽ giảm mạnh trong cả năm 2020. Trong khi đó, đồng tiền của nhiều nước đã trải qua những dao động chưa từng thấy trong một số năm qua.
Thị trường nông nghiệp và phân bón chịu nhiều tác động nhưng vẫn đứng vững
Chuỗi cung ứng nông nghiệp đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Tuy những rối loạn này ít có khả năng sẽ tiếp tục trong dài hạn, nhưng một số chính phủ trên thế giới đã công bố những kế hoạch nhằm hỗ trợ người nông dân và chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm.
Ví dụ, để đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng và mua bán phân bón diễn ra an toàn và ổn định, đến tháng 4-2020 hơn 20 quốc gia đang phải phong toả do dịch đã chính thức tuyên bố những hoạt động như vậy là quan trọng thiết yếu đối với nền kinh tế.
Một số quốc gia như Mỹ, Trung Quốc,... đã đưa ra những gói hỗ trợ cho người nông dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, Pháp, Italia, Anh và Ôxtrâylia đã thực hiện những biện pháp hỗ trợ để khắc phục tình trạng thiếu nhân công.
Nhu cầu phân bón
Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu do dịch COVID-19 gây ra có khả năng sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ phân bón theo 2 cách: Một mặt là tác động đối với nhân công và hoạt động hậu cần, mặt khác là tác động đối với nhu cầu hàng hóa nông nghiệp.
Nhìn chung, dịch COVID-19 chỉ có tác động hạn chế đối với lượng giao hàng phân bón tại Bắc Mỹ và châu âu, do nông dân ở đây đã hoàn thành việc mua phân bón cho vụ mùa gieo trồng chính. Một số trường hợp cung ứng chậm đã diễn ra do các đợt bón phân muộn hơn. Khả năng trì hoãn trong cung ứng phân bón được dự kiến sẽ xảy ra ở các nước bắt đầu vụ gieo trồng muộn, nếu người nông dân tại những nơi đó chưa mua và nhận được phân bón trước khi xảy ra dịch.
Dự báo nhu cầu ngắn hạn
Theo dự báo ngắn hạn của các chuyên gia Hiệp hội Phân bón quốc tế IFA, lượng sử dụng phân bón sẽ giảm ở một số khu vực trong năm tài chính 2020, sau đó sẽ hồi phục trong năm tài chính 2021. Những khu vực dự kiến sẽ chứng kiến mức suy giảm mạnh nhất là Đông Á, Nam Á và Tây Á. Tiêu thụ phân bón tại Bắc Mỹ, châu Mỹ La tinh và châu âu dự kiến sẽ giảm nhẹ hơn trong năm tài chính 2020. Lượng sử dụng tại châu Phi có thể ổn định nhưng không chắc chắn. Một số thị trường khu vực dự kiến sẽ tăng lượng tiêu thụ phân bón bất chấp cuộc khủng hoảng COVID-19, đó là Đông Âu-Trung Á và châu Đại Dương.
Cụ thể, nhu cầu phân bón toàn cầu trong năm tài chính 2020 (184,4 triệu tấn) được dự báo sẽ giảm 2,9% (-5,5 triệu tấn) so với năm tài chính 2019 (189,9 triệu tấn) đến, sau đó sẽ hồi phục một phần trong năm tài chính 2021, đạt 189,0 triệu tấn (tăng 2,5%). đối với các chất dinh dưỡng cụ thể, năm 2020 nhu cầu K2O và P2O5 sẽ giảm mạnh hơn (-4,5% và -3,5% tương ứng) so với nhu cầu N (-2,1%). Sự chênh lệch này giữa các loại chất dinh dưỡng cây trồng phản ánh sự phụ thuộc nhìn chung lớn hơn của các nước tiêu thụ vào nhập khẩu K2O và P2O5 so với nhập khẩu N, cũng như thực tế là dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến nhu cầu tiêu thụ rau xanh, hoa quả, mía đường, dầu dừa, đồng thời cũng phản ánh thực tế là nhu cầu K2O và P2O5 có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều hơn so với nhu cầu N trong thời gian các cuộc khủng hoảng kinh tế.
Tính theo khối lượng, sự suy giảm nhu cầu N (-2,2 triệu tấn) là yếu tố ảnh hưởng chính đến sự suy giảm nhu cầu phân bón toàn cầu năm 2020, trong khi đó nhu cầu P2O5 (-1,6 triệu tấn) và K2O (-1,6 triệu tấn) bị ảnh hưởng ở mức độ thấp hơn. Động lực chủ yếu cho sự hồi phục trong năm 2021 cũng sẽ là N (+2,4 triệu tấn), trong khi đó nhu cầu P2O5 (+1,2 triệu tấn) và K2O (+1,0 triệu tấn) sẽ chỉ hồi phục một phần.
Nhưng sự suy giảm dự kiến ở mức 3% của nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2020 thấp hơn nhiều so với sự suy giảm 8% trong năm tài chính 2008, khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các vấn đề hậu cần và nhân công do cuộc khủng hoảng y tế hiện nay không ảnh hưởng đến tất cả các nước ở cùng mức độ như nhau. Tuy suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2020 được dự báo sẽ nghiêm trọng hơn so với thời kỳ 2008-2009, nhưng giá nông sản và phân bón trước khi xảy ra dịch COVID-19 ít dao động hơn so với thời kỳ trước 2008-2009.
Dự báo nhu cầu trung hạn
Các chuyên gia IFA dự báo, trong thời gian từ 2019 đến 2024 nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ tăng với tốc độ trung bình 0,7%/năm, đạt 197,1 triệu tấn chất dinh dưỡng vào năm 2024. Tiêu thụ N được dự báo sẽ hồi phục nhanh hơn so với P2O5 và K2O. Tuy nhiên, trong thời gian dự báo này tiêu thụ P2O5 có khả năng sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm (+0,8%) cao hơn so với N (+0,7%) và K2O (+0,6%), do tỷ trọng lớn của khu vực châu Mỹ La tinh - khu vực quan trọng đóng góp cho sự tăng trưởng của tiêu thụ phân bón toàn cầu.
Trong thời gian dự báo, châu Mỹ La tinh dự kiến sẽ là động lực chính cho nhu cầu phân bón toàn cầu, chiếm 37% trong tổng mức tăng nhu cầu. Tiếp theo sẽ là khu vực Đông Âu-Trung Á (27%), Nam Á (22%), châu Phi (15%) và Bắc Mỹ (12%). Tăng trưởng thị phần của khu vực Đông Á dự kiến sẽ chậm lại, tổng tiêu thụ phân bón tại đây (chủ yếu là Trung Quốc) có triển vọng giảm.
Tây Á và châu Đại Dương sẽ đóng góp ít hơn vào sự gia tăng nhu cầu phân bón toàn cầu, trong khi đó châu âu sẽ đạt mức tăng trưởng âm, tuy tình hình tại đây không bi quan như ở Đông Á.
So sánh giữa các khu vực thì Đông Âu-Trung Á dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng nhu cầu phân bón cao nhất, tiếp theo là châu Phi, châu Mỹ La tinh, Tây Á, Châu Đại dương, Nam Á, Bắc Mỹ. Nhưng tiêu thụ phân bón dự kiến sẽ giảm ở khu vực Tây Âu-Trung Âu và Đông Á.
Ngoài những yếu tố rủi ro chính liên quan đến dịch COVID-19, một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến tiêu thụ phân bón, như tăng trưởng kinh tế, tốc độ phục hồi kinh tế, các yếu tố địa chính trị, quan hệ thương mại, thời tiết và hành động của chính phủ các nước trên thế giới.