Thị trường phân bón thế giới năm 2020 và triển vọng năm 2021
Cập nhật: 28-04-2021 08:26:46 | Tin thị trường | Lượt xem: 567
Thị trường phân bón thế giới năm 2020 và triển vọng năm 2021
Bối cảnh kinh tế chính trị
Trong thời gian qua, dịch COVID-19 đã làm rối loạn hệ thống y tế, thương mại và kinh tế toàn cầu, tạo ra những bất ổn lớn. Tháng 10/2020, Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm 4,4% trong năm 2020 và hồi phục 5,3% trong năm 2021, tuy nhiên, phạm vi và tốc độ hồi phục kinh tế rất không chắc chắn. IMF dự báo sản lượng kinh tế ở cả các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển sẽ giảm trong năm 2020. Một trong những ngoại lệ đáng chú ý là Trung Quốc, quốc gia đã thể hiện những dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ và ổn định.
Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thương mại toàn cầu đã giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020. Giá dầu mỏ sụt giảm trong thời gian tháng 3-4/2020, nhưng sau đó đã dần hồi phục.
Ngoài những rủi ro về sức khỏe công cộng, dịch COVID-19 còn gây ra bất ổn ngày càng tăng về tình trạng tài chính của các nước. Tuy hiện nay các chuyên gia tài chính nhận định đại dịch sẽ được kiểm soát vào cuối năm 2021, nhưng tiến độ thực tế đang chậm hơn.
Trong khi đó, thương mại hàng hóa nông nghiệp bị ảnh hưởng ít hơn so với các loại hàng hóa khác. Theo WTO, tăng trưởng hàng năm của thương mại hàng hóa nông nghiệp trên toàn cầu đã giảm 5% trong quý II/2020 so với mức giảm 21% ở các loại hàng hóa nói chung. Ngành lương thực thực phẩm và sản xuất nông nghiệp là những lĩnh vực thiết yếu, hoạt động sản xuất và vận chuyển được tiếp tục diễn ra trong thời gian giãn cách xã hội. Hơn nữa, hoạt động vận chuyển khối lượng lớn - phương thức vận chuyển chủ yếu của hàng hóa nông nghiệp - ít bị ảnh hưởng hơn nhiều so với các phương thức vận chuyển khác.
Ngoài việc xếp loại nông sản và vật tư nông nghiệp là những loại hàng hóa thiết yếu, nhiều nước trên thế giới cũng đã có những biện pháp mạnh để hỗ trợ những lĩnh vực sản xuất này.
Nguồn cung phân bón 2020
Nguồn cung phân bón thế giới đã giữ vững tương đối ổn định trong năm 2020 bất chấp những bất ổn và thách thức mới liên quan đến dịch COVID-19. Việc đóng cửa tạm thời các nhà máy trong lĩnh vực phân đạm và phân kali đã được cân đối nhờ việc đưa vào vận hành các nhà máy mới, dẫn đến sự tăng trưởng thực của nguồn cung toàn cầu trong năm 2020. đối với phân lân, công suất đã giữ nguyên hầu như không thay đổi so với năm 2019.
Ngoài dịch COVID-19, những yếu tố tác động đến thị trường phân bón toàn cầu trong năm 2020 là giá khí thiên nhiên giảm (đặc biệt ở châu âu và Mỹ), lạm phát gia tăng, tỷ giá hối đoái dao động mạnh, căng thẳng thương mại leo thang cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại mới và sự thay đổi của các mức thuế quan.
Các yếu tố địa chính trị (cùng với các vấn đề về nguồn cung nguyên liệu và đóng cửa nhà máy) tiếp tục ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành của ngành sản xuất phân bón, đặc biệt là ở châu Mỹ La tinh (Braxin, Mêhicô, Trinidad và Vênêxuêla).
Cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đã đặt các quốc gia trước những thách thức và cơ hội đối với sự phát triển bền vững của cả thế giới, thách thức về biến đổi khí hậu và phát thải khí CO2. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đã tuyên bố ý định đầu tư vào các dự án amoniăc xanh, hỗ trợ nền kinh tế hydro và nhiên liệu sạch trên toàn cầu, trong số đó có thể kể đến Ôxtrâylia, Tây Ban Nha, Hà Lan, Chilê và Mỹ,... Hiện cũng đang có triển vọng đầy hứa hẹn cho việc sử dụng amoniăc làm nhiên liệu hàng hải, vì mật độ năng lượng cao của hợp chất này khiến cho nó có thể trở thành nhiên liệu thay thế trong ngành vận tải viễn dương.
Bất chấp những bất ổn liên quan đến dịch COVID-19, ngành sản xuất nguyên liệu phân bón đã đạt hiệu quả tăng trưởng vừa phải trong năm 2020. Theo những ước tính sơ bộ, sản lượng phân bón toàn cầu năm 2020 tăng trưởng như sau:
- sản lượng amoniăc tăng 1%
- sản lượng quặng phốtphat tăng 1%
- sản lượng kali nguyên liệu tăng 1%
Năm 2020, nhu cầu nguyên liệu phân bón (chiếm 79% tổng nhu cầu) ước tính đạt 191 triệu tấn, lượng sử dụng trong công nghiệp và các lĩnh vực khác đạt tổng cộng 52 triệu tấn (tính theo chất dinh dưỡng).
Triển vọng nhu cầu phân bón 2021
Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) ước tính nhu cầu phân bón toàn cầu trong năm tài chính 2019/2020 hồi phục 1,6%, đạt 198,8 triệu tấn, sau khi giảm 1,7%, đạt 186,8 triệu tấn trong năm tài chính trước (2018/2019). Sự suy giảm nhu cầu phân bón trong năm tài chính 2018/2019 một phần là do sự giảm mạnh của lượng tiêu thụ phân bón tại Mỹ trong bối cảnh thời tiết xấu.
Nhờ thời tiết được cải thiện đáng kể, Ấn Độ và Mỹ là hai quốc gia dẫn đầu xu hướng hồi phục nhu cầu phân bón toàn cầu trong năm tài chính 2019/2020. Lượng phân bón được sử dụng đã tăng ở hầu hết các khu vực trên thế giới, tuy vẫn giữ nguyên ở Tây và Trung Âu và ước tính sẽ giảm ở châu Phi cũng như Đông Á.
đối với năm tài chính 2020/2021, mặc dù dịch COVID-19 đang diễn ra nhưng IFA dự báo nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ tăng 2%, đạt 193,5 triệu tấn. Tiêu thụ phân lân (P2O5) dự kiến sẽ tăng 3%, trong khi đó tiêu thụ phân đạm (N) tăng 1,6% và phân kali (K2O) tăng 1,4%.
Một số yếu tố đang góp phần gia tăng nhu cầu phân bón trong năm tài chính 2020/2021, trong đó có thể kể đến những biện pháp hỗ trợ của các chính phủ, giá nông sản duy trì ổn định, quan hệ thuận lợi hơn giữa giá nông sản và giá phân bón, sự suy yếu của các đồng nội tệ ở các nước xuất khẩu nông sản lớn, điều kiện thời tiết thuận lợi ở những nước tiêu thụ phân bón hàng đầu. Ngoài ra, người nông dân ở một số nơi có thể đã mua phân bón sớm hơn bình thường để đề phòng khả năng bị giao hàng chậm hoặc khó khăn tài chính trong thời gian dịch.
Tuy tiêu thụ phân bón toàn cầu nhìn chung có xu hướng tăng nhưng một số quốc gia đang trải qua nhiều khó khăn nên tiêu thụ phân bón có thể giảm. Hơn nữa, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến một số lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt như cây trồng làm nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học hoặc hoa quả và rau xanh.
Khu vực Nam Á được dự kiến sẽ là động lực tích cực chính cho tiêu thụ phân bón toàn cầu trong năm tài chính 2020/2021, tiếp theo là châu Mỹ La tinh và Bắc Mỹ. Ở các khu vực Đông Âu-Trung Á, châu Phi, châu Đại dương, lượng tiêu thụ phân bón mỗi khu vực có thể tăng 100.000 tấn. Trái lại, Đông Á và Tây Á sẽ đứng trước khả năng giảm lượng tiêu thụ phân bón. Nhìn chung, thị trường phân bón tăng trưởng nhanh nhất sẽ là Nam Á, tiếp theo là châu Mỹ La tinh, châu Đại dương và Bắc Mỹ.
Tiêu thụ phân bón toàn cầu
(tính theo triệu tấn chất dinh dưỡng)
đối với năm tài chính 2021/2022, IFA dự báo tiêu thụ phân bón toàn cầu sẽ tăng 1%, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng trong năm tài chính 2020/2021. Lượng tiêu thụ N, P2O5, K2O đều sẽ tăng khoảng 1%. Nhìn chung, những thị trường phân bón tăng trưởng nhanh nhất trong năm tài chính 2021/2022 sẽ là khu vực Đông Âu - Trung Á, châu Phi, tiếp theo là Nam Á.
Trong năm 2021, dịch COVID-19 có thể sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động hậu cần phân bón mạnh như năm 2020. Tuy nhiên, tính chất không đồng đều của sự hồi phục kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, ngân sách nhà nước, tình hình tài chính của người nông dân và hoạt động mua phân bón của họ.
Những bất ổn lớn sẽ tiếp tục khi dịch vẫn kéo dài và tốc độ tiêm vắc-xin phòng chống COVID-19 không đạt như mong muốn. Hơn nữa, việc mua trước phân bón trong năm tài chính 2020/2021 có thể làm giảm lượng mua trong năm tài chính tiếp theo. Về mặt tích cực, giá hầu hết các loại nông sản đã phục hồi sau khi giảm mạnh đầu năm 2020 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi Trung Quốc khôi phục đàn lợn của mình sau đại dịch tả lợn châu Phi. Giá nông sản cũng được hỗ trợ nhờ chính phủ các nước đang thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh lương thực.