Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English
CÔNG TY CỔ PHẦN DAP - VINACHEM

Công ty cổ phần DAP - Vinachem

Niềm vui của nhà nông

Vì sao giá thành phân bón đang bị đội thêm 5.000 tỉ đồng?

Cập nhật: 01-01-2020 11:03:14 | Tin thị trường | Lượt xem: 846

Vì sao giá thành phân bón đang bị đội thêm 5.000 tỉ đồng?

Theo ông Phùng Hà - Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, số thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ tính vào chi phí của các doanh nghiệp hiện lên đến hơn 5.000 tỉ đồng và toàn bộ số này bị tính vào giá thành sản phẩm để xây dựng giá bán cho nông dân.

Giá thành phân bón đội thêm 5.000 tỉ đồng

Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VNFAV) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vừa tiếp tục có kiến nghị gửi tới các bộ ngành và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xem xét đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức 0% hoặc 5%. Trao đổi với báo chí, ông Phùng Hà - Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam - cho hay, hiện nay do mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại Luật 71/2014 nên các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Thay vào đó, toàn bộ chi phí này phải tính vào chi phí sản xuất, vào chi phí giá thành sản phẩm để xây dựng giá bán nên không giảm được giá bán cho người nông dân.

VNFAV tính toán, số thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam từ năm 2015 đến nay lên tới hơn 3.000 tỉ đồng và của 2 doanh nghiệp sản xuất đạm Urea của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là khoảng 2.000 tỉ đồng. “Quy định phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gây ra bất cập cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong việc cạnh tranh với phân bón nhập khẩu do phải tăng giá bán hoặc giảm lợi nhuận, làm tăng tổng mức đầu tư các dự án sản xuất phân bón mới, dẫn đến các doanh nghiệp sẽ không "mặn mà" đầu tư sản xuất các loại phân bón thế hệ mới, với các tính năng ưu việt hơn như phân bón tan chậm, phân bón điều khiển tan, phân bón nhiều tính năng” - ông Phùng Hà nói.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - cũng cho biết, chưa tính năm 2019, số thuế GTGT đầu vào trong 4 năm 2015-2018 làm chi phí sản xuất phân bón của các đơn vị sản xuất phân bón trong tập đoàn tăng thêm 2.937 tỉ đồng. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nông dân và sản xuất nông nghiệp, chi phí sản xuất tăng khiến giá thành sản phẩm phân bón tăng thêm khoảng 6-8%. “Những tác động này cũng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước với phân bón nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm được sản xuất từ nguyên vật liệu nguyên khai trong nước như phân lân, phân đạm, phân DAP. Các đơn vị nhập khẩu phân bón thường được hưởng lợi từ chính sách khuyến khích xuất khẩu tại các nước xuất khẩu, thuế suất thuế GTGT hàng xuất khẩu là 0% và không chịu thuế GTGT đầu ra nên có lợi thế rất lớn cạnh tranh với phân bón sản xuất trong nước” - ông Cường phân tích.

Xem xét mức thuế 5% vì không thể áp 0%?

Ông Phùng Hà nói rằng, những phân tích và đánh giá trên cho thấy những bất cập hiện nay và cũng là cơ sở để VNFAV kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức 0 hoặc 5%. Đây là kiến nghị tiếp theo sau khi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có văn bản chính thức “khẩn thiết” đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết tạm thời áp dụng đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 0%.

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, Bộ Tài chính thực tế cũng từng đưa ra định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT và dự thảo Luật sau đó quy định thuế suất cho sản phẩm phân bón là 5%, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua do còn một số vướng mắc. Mới đây nhất, lãnh đạo Bộ Tài chính trong văn bản trả lời các cử tri khẳng định vẫn đang tiếp tục xem xét đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế do hiện nay theo khoản 3a Điều 5 của Luật thuế GTGT, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. “Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, Bộ Tài chính xin ghi nhận kiến nghị của cử tri để nghiên cứu chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất ưu đãi 5% khi sửa đổi Luật thuế GTGT” - Bộ Tài chính cho hay.

Trong khi tiếp tục chờ đợi thêm ý kiến phản hồi từ các bộ ngành liên quan, việc áp dụng mức thuế 0% hay 5% theo kiến nghị của VNFAV và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đặt ra nhiều câu hỏi về những tác động thực tế trong trường hợp kiến nghị được xem xét, chấp thuận. Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho rằng, trong cả hai trường hợp khi đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT, phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu đều chịu mức thuế suất thuế GTGT như nhau, doanh nghiệp đều được hoàn thuế GTGT đầu vào, tạo bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu.

Trong đó, phương án đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 0% sẽ có lợi cho doanh nghiệp và giá bán phân bón hơn so với phương án 5% do số thuế GTGT đầu ra mà doanh nghiệp nộp cho nhà nước bằng không (0), thay vì 5% trong khi vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào. “Với trường hợp đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 0%, các sản phẩm phân bón được bán với giá trước thuế cộng với thuế GTGT bằng không (0), nghĩa là số tiền thuế GTGT đầu ra doanh nghiệp nộp cho nhà nước bằng không (0) đồng và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào, sẽ làm giảm giá thành sản xuất phân bón và có cơ hội giảm giá phân bón trên thị trường” - ông Cường phân tích.

Tuy nhiên, theo phân tích của Bộ Tài chính, việc xem xét áp thuế GTGT với mức thuế 0% đối với phân bón như một số đề xuất là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định trong nước bởi mức thuế 0% theo quy định tại Luật Thuế GTGT đang được áp dụng với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu theo thông lệ quốc tế. Trong khi đó, mức thuế suất 5% được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho đời sống và hàng hóa, dịch vụ là đầu vào sử dụng cho sản xuất nông nghiệp.

Với chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước hiện nay, thuế suất xuất khẩu phân bón là 0%, sản phẩm phân bón được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất. Do vậy phân bón nhập khẩu có lợi thế cạnh tranh về giá thành và giá bán, dẫn đến nhập khẩu phân bón tăng làm gia tăng nhập siêu và sản xuất phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô sản xuất, sản lượng phân bón sản xuất trong nước sẽ không đủ để giúp Nhà nước điều tiết và quản lý giá khi giá phân bón thế giới biến động tăng, nông dân sẽ phải mua phân bón với giá đắt” - ông Nguyễn Phú Cường cho biết.

Nguồn: Laodong.vn