Xung quanh chuyện thuế tự vệ và giá DAP tăng
Cập nhật: 12-03-2021 01:18:15 | Tin thị trường | Lượt xem: 834
Xung quanh chuyện thuế tự vệ và giá DAP tăng
Theo Bộ Công Thương, việc áp dụng thuế tự vệ theo lộ trình giảm dần trong Quyết định số 715/QĐ-BCT nêu trên nhằm 2 mục tiêu. Thứ nhất, tạo môi trường công bằng cho sản xuất trong nước phát triển. Thứ hai, hướng tới việc duy trì thị trường cạnh tranh để mang tới lợi ích cho người sử dụng phân bón.
Tạo môi trường công bằng
Trong những ngày gần đây, khi giá mặt hàng phân bón DAP nhập khẩu về Việt Nam lên tới 15.000 - 16.000 đồng/kg, một số doanh nghiệp nhập khẩu DAP đã có đơn kiến nghị Bộ Công Thương, Thủ tướng đề nghị tạm bỏ thuế phòng vệ thương mại với mặt hàng DAP.
Ngay sau đó, Bộ Công Thương sau khi tiến hành rà soát, đánh giá và tham vấn các đơn vị liên quan, và ra thông báo cho rằng, việc áp thuế tự vệ đã được cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng, cũng như đánh giá ảnh hưởng tới các bên liên quan. Một trong những mấu chốt của vấn đề là giá phân DAP tăng chủ yếu do yếu tố khách quan, giá trên thị trường thế giới tăng. Mặt khác, pháp luật hiện hành không có quy định về việc tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ theo những biến động mang tính thời điểm.
Trong những tháng gần đây giá cả mọi loại hàng hóa trên thế giới đều tăng sau khi việc khống chế dịch Covid-19 đạt kết quả khả quan. Trong đó, các mặt hàng như dầu khí, hóa chất, cước vận tải, container tăng mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành sản xuất phân bón của thế giới.
Theo ông Nguyễn Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP DAP 2, giá phân bón DAP tăng trong thời gian qua do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó nguyên nhân chính là do giá nguyên liệu đầu vào gồm lưu huỳnh, amoniac tăng trên 2 triệu đồng/tấn so với thời điểm tháng 01/2021. Giá bán phân bón DAP sản xuất trong nước điều chỉnh tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và luôn thấp hơn so với giá phân bón DAP nhập khẩu bán tại thị trường Việt Nam.
Còn ông Nguyễn Đức An Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Richfarm Việt Nam, cho rằng, giá phân DAP tăng mạnh trong thời gian qua nguyên nhân chính do nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng, tuy nhiên, chi phí vận chuyển hiện mới chiếm tỉ trọng khoảng 7% tổng cơ cấu giá thành sản phẩm.
Như vậy, giá phân DAP tăng mạnh chủ yếu do nguyên liệu trên thế giới đều tăng. Bên cạnh đó, nước cung cấp DAP lớn nhất cho Việt Nam là Trung Quốc đã cắt giảm xuất khẩu để tập trung vào cung cấp cho sản xuất nông nghiệp nội địa nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh đại dịch.
Trước đó, ngày 3/3/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-BCT gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu có mã HS: 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00.
Theo đó, từ 7/3/2020 - 6/3/2021, mức thuế tự vệ đưa ra là 1.050.663 đồng/tấn.
Từ 7/3/2021 - 6/3/2022, mức thuế tự vệ là 1.029.219 đồng/tấn.
Từ 7/3/2022 - 6/9/2022, mức thuế tự vệ là 1.007.778 đồng/tấn.
Biện pháp tự vệ hết hạn từ ngày 7/9/2022, mức thuế về 0 đồng/tấn.
Theo Bộ Công Thương, việc áp dụng thuế tự vệ theo lộ trình giảm dần trong Quyết định số 715/QĐ-BCT nêu trên nhằm 2 mục tiêu. Thứ nhất, tạo môi trường công bằng cho sản xuất trong nước phát triển. Thứ hai, hướng tới việc duy trì thị trường cạnh tranh để mang tới lợi ích cho người sử dụng phân bón.
Doanh nghiệp trong nước tự lực vươn lên
Chính vì hướng đến đáp ứng đồng thời hai mục tiêu này, nên Bộ Công Thương đã tính toán, tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp tự vệ năm 2018, mức thuế tự vệ chỉ tương đương tối đa khoảng 0,66% tổng chi phí của người trồng lúa. Việc thuế tự vệ đối với DAP và MAP nhập khẩu được áp dụng ở mức thấp hơn, thời gian áp dụng ngắn hơn so với quy định của WTO và được giảm dần theo lộ trình cho thấy Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã cân nhắc kỹ thực trạng của thị trường phân bón trong nước, tác động của biện pháp tự vệ tới các bên sản xuất và kinh doanh nhập khẩu phân bón, cũng như bà con nông dân sử dụng trồng lúa.
Tỷ lệ này tới nay có thể còn thấp hơn do mức thuế tự vệ được giảm dần theo lộ trình trong khi nhiều chi phí khác trong sản xuất lúa tăng lên.
Công ty DAP 2 đẩy mạnh sản xuất cao tải đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước
Cho đến nay có thể nói, các biện pháp này đã phát huy tác dụng. Minh chứng là, trong lúc giá DAP nhập khẩu tăng giá rất mạnh, thì giá DAP sản xuất trong nước tăng ở mức vừa phải. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện giá phân bón DAP Đình Vũ đang được bán tại nhà máy cuối tháng 2, đầu tháng 3 trung bình 9.200 - 9.700 đồng/kg tùy chủng loại, giá bán tại Công ty DAP2 với sản phẩm DAP vàng 9,750 triệu đồng/tấn, DAP xanh, đen là 9.950 triệu đồng/tấn, trong khi đó giá mặt hàng DAP nhập khẩu hiện đang tăng mạnh lên 15.000 - 16.000 đồng/kg, gấp đôi và gấp rưỡi giá DAP sản xuất trong nước.
Điều đó phản ánh một thực tế là với mức thuế tự vệ vừa phải đã khiến ngành sản xuất trong nước không “ỷ lại” vào biện pháp áp thuế tự vệ, mà đã tự lực vươn lên, phát huy tác dụng trong việc hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài, góp phần kìm hãm mức tăng giá chung của phân bón DAP.
Thực tế trên thế giới cũng cho thấy, với nhiều ngành công nghiệp đầu vào quan trọng như phân bón, kim loại cơ bản, hóa chất, chất dẻo..., khi đã có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá bình quân luôn thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Vì vậy, rất nhiều Thành viên WTO, kể cả các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada… đều đã và đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các ngành sản xuất này.
Cũng trong thời điểm hiện nay, có một số thông tin cho rằng phân DAP đang khan hiếm. Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam (FAV), nhu cầu phân bón DAP trong nước dao động khoảng 800.000 - 1 triệu tấn/năm, đến từ hai nguồn là sản xuất trong nước và nhập khẩu. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy DAP trong nước là 810.000 tấn/năm. Trong đó, Công ty CP DAP Vinachem (DAP Đình Vũ 330.000 tấn/năm), Công ty CP DAP số 2 Vinachem (DAP Lào Cai 330.000 tấn/năm) và Công ty CP Hóa chất Đức Giang (DAP Đức Giang 150.000 tấn/năm).
Sản lượng DAP Đình Vũ sản xuất trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt trên 46.000 tấn, tăng 162,6% so với cùng kỳ năm 2020. DAP Lào Cai cũng có mức tăng trưởng về sản lượng tương ứng.
Kế hoạch các tháng 3 và 4, lãnh đạo DAP Vinachem khẳng định vẫn tiếp tục duy trì sản xuất với sản lượng cao, mỗi tháng dự kiến đưa ra thị trường từ 24.000 - 26.000 tấn. Do đó, cộng cả sản lượng của DAP Lào Cai, DAP Đức Giang nguồn cung sản xuất trong nước sẽ duy trì ở mức 48.000 - 50.000 tấn/tháng.
Lãnh đạo Vinachem cho biết, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất phân DAP tập trung đẩy mạnh sản xuất để tham gia bảo đảm nguồn cung. Đồng thời xem xét lại các hợp đồng xuất khẩu theo hướng ưu tiên dành cho thị trường trong nước trước, nhằm góp phần bình ổn thị trường.
Do đó, thông tin khan hàng DAP hiện nay là không có căn cứ. Ông Nguyễn Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP DAP 2 cũng phản bác thông tin khan hàng DAP. Theo ông, các nhà máy sản xuất phân bón DAP trong thời gian qua chủ yếu tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước thông qua hệ thống khách hàng, đại lý truyền thống của Công ty. Trước biến động tăng giá của phân bón DAP tại thị trường trong nước và thế giới, Công ty tập trung đẩy mạnh sản lượng sản xuất và chủ động điều tiết, ký kết các hợp đồng tiêu thụ khối lượng nhỏ với nhiều đại lý, khách hàng để kịp thời cung ứng cho nhu cầu sử dụng trong nước, đồng thời tránh được việc đầu cơ tích trữ tại các đại lý, khách hàng.